Giảm lãi suất để góp phần hạn chế nợ xấu gia tăng

Nợ xấu đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa lên mức báo động và việc xử lý vấn đề này đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Một trong những giải pháp mà NHNN đưa ra là các tổ chức tín dụng (TCTD) cùng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất tiền vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.


Thời gian qua, NHNN liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND. Cùng với đó, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên; rà soát đánh giá khả năng trả nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ vốn vay, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt; xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển.


Đặc biệt, từ ngày 15/7, NHNN đã kêu gọi các TCTD điều chỉnh giảm lãi suất cho vay của các khoản nợ cũ về mức tối đa 15%. Đây được xem là động thái tích cực của NHNN chia sẻ những khó khăn và mang lại nhiều cơ hội tốt cho cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều mà nhiều chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp băn khoăn là liệu đây có phải là giải pháp khả thi khi mà trần lãi suất huy động ngắn hạn mới giảm về 9% và lãi suất trung và dài hạn theo cơ chế thị trường?
Khẳng định NHNN không thể buộc các TCTD đưa các khoản nợ cũ về mức 15% trở xuống, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho hay: "Đây chỉ là lời kêu gọi của NHNN với các TCTD chứ không phải là một quyết định hành chính, vì các hợp đồng tín dụng cũ đã ký trước đây là các hợp đồng kinh tế. NHNN có ra một quyết định hành chính thì cũng không có giá trị hồi tố đối với các hợp đồng tín dụng đã ký trước đây".


Trên thực tế, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hàng loạt ngân hàng đã giảm lãi suất. Thống đốc cũng đưa ra dẫn chứng: trước ngày 15/7 tỷ lệ khoản cho vay có lãi suất cao hơn 15% chiếm 65% tổng dư nợ tín dụng, đến ngày 3/8 số này còn xấp xỉ 30%, như vậy đã giảm đi một nửa, đến 16/8 vừa qua con số này chỉ chiếm 24%. “Với sự kêu gọi của NHNN mà đạt được con số như vậy thì đã có hiệu quả nhất định” - người đứng đầu NHNN khẳng định.


Tuy nhiên, Thống đốc NHNN cũng khẳng định, sau khi đưa trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn từ 14%/năm xuống 9%/năm hiện nay, việc điều chỉnh giảm lãi suất xuống tiếp sẽ phải xem xét, tính toán cẩn trọng. Bởi vì, theo Thống đốc, điều hành lãi suất cũng phải đảm bảo kiềm chế lạm phát. Nếu không đảm bảo lãi suất hợp lý thì không thể thu hút người gửi tiền, vị thế của đồng Việt Nam sẽ mất đi, người gửi tiền quay sang vàng và ngoại tệ và lại xảy ra tình trạng đô la hóa. Nhiều tổ chức nước ngoài cũng khuyến cáo Việt Nam, nếu hạ lãi suất quá nhanh có thể dẫn tới lạm phát quay trở lại.


Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc nhất quán mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm 2012 và những năm tiếp theo, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với các cân đối vĩ mô; điều chỉnh giảm lãi suất cho vay xuống mức hợp lý, nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng; giám sát việc áp dụng lãi suất cho vay và việc thực hiện chính sách cho vay lãi suất thấp đối với lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp: tập trung giải ngân các nguồn vốn ODA, hỗ trợ thuế đúng đối tượng, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kích thích tiêu thụ và tiêu dùng, giải phóng hàng tồn kho...


NHNN cũng khẳng định sẽ chỉ đạo các TCTD chủ động phối hợp với khách hàng vay để thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp như: cơ cấu lại nợ một cách hợp lý để giảm khó khăn tạm thời cho doanh nghiệp, trích lập dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật, thực hiện tốt việc mua bán nợ... Với những giải pháp đó, hoàn toàn có thể hy vọng về việc đưa con số nợ xấu về mức theo đúng chuẩn quốc tế.

Đỗ Huyền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN