Ở quê, giàn mướp từ lâu đã gắn bó với cuộc sống cơ cực của gia đình tôi. Ruộng thì ít, thời tiết thì thất thường nên được giàn mướp, đám bí đỏ hay vài luống cải xanh tốt mới là nguồn thu nhập chính của gia đình. Gọi là “thu nhập” cho vui chứ chẳng đâu vào đâu cả. Riêng mướp, từ tháng Chạp, ba tôi đã bắt đầu chọn những trái mướp giống tốt để lại từ vụ trước, lấy hạt đem gieo. Thường thì mướp nhà tôi được gieo ở bờ ruộng. Một phần vì mướp ưa nước, một phần để tiết kiệm bớt đất trồng. Khi những dây mướp đã ra được cỡ một gang tay thì bắt đầu cắm chói và làm giàn để nó bò lên. Dưới giàn mướp, ba thường đào một con mương hay một cái ao nhỏ, vừa có nước cho mướp sinh trưởng, vừa để cá vào đây, cuối vụ mướp cũng là ngày tát ao cá
Chẳng mấy chốc, những búp mướp nho nhỏ từng chùm từng chùm dần hiện ra, rồi những bông mướp vàng ươm đã đầy cả giàn. Từ hồi còn lẫm chẫm biết đi, ngồi trong đôi trạc mẹ gánh ra đồng, tôi đã thích cái mùi hương của bông mướp. Nó không thơm, không sặc sỡ như các loài hoa khác nhưng lại có sức hấp dẫn tôi ở một chút mùi mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa tìm được từ định nghĩa thật chính xác. Hồi đó, cứ trông ba mẹ chú ý vào việc cuốc, việc cày là tôi lò dò lại giàn mướp, hái thật nhiều những bông vàng, đưa vào mũi ngửi. Cũng bởi cái tật “phá hoại” ấy mà nhiều lần tôi bị ba cho ăn roi. Bởi khi đó, cả nhà trông vào những trái mướp lớn lên, đem ra chợ bán để mua chút cá, chút thịt thay cho những bữa mắm bữa muối thường ngày. “Phá” ngay từ mướp mới ra hoa, ai mà không tức cho được
Nhưng khi mướp đã ra được một lượng trái vừa đủ, ba tôi thường cắt hết những chùm búp mướp còn lại. Ba bảo để cho cây dồn chất nuôi mấy trái kia. Búp mướp đem về, xào với mỡ hoặc dầu thì không gì ngon bằng nữa. Nó có vị bùi bùi rất đặc trưng. Nhưng không phải ai ăn cũng cảm thấy cái đậm đà của vị bùi ấy. Ban đầu, tôi cũng cảm thấy rất khó ăn, nhưng dần dần quen và lại thấy thèm đến lạ
Mướp trái được mẹ tôi đem xuống chợ bán. Ngày trước là bỏ trong mủng, trong trạc gánh đi, rồi dần dần sau này mới chở bằng xe đạp. Hồi mẹ còn gánh mướp đi bán, bữa bán hết thì vui làm sao. Chị em tôi được vài cây kẹo hay gói bánh sữa nho nhỏ để chia nhau. Mẹ cũng rạng rỡ hẳn lên, xắn tay vào làm bữa cơm trưa. Bữa không bán được hay gánh mướp bị bảo vệ chợ hất đổ bầm dập hết, mẹ lại thất thểu quang gánh quay về trên con đường trưa nắng cát bụi mù mịt. Cả ngày hôm đó, cả nhà ăn toàn canh mướp.
Hơn 20 năm, giàn mướp đã đi vào cuộc sống nơi quê nhà của tôi như một phần không thể thiếu được. Tôi đã đi nhiều nơi, đã ăn nhiều loại mướp nhưng không nơi nào có được món canh “mướp ế” mà mẹ nấu. Mỗi lần được ăn nó, dù trong không khí rất lặng lẽ, trầm lắng nhưng tôi cảm nhận được cảm giác gia đình, cái cảm giác thực của đứa con nhà nghèo. Có chút chua xót nhưng cũng có chút vui vui trong lòng. Đó là một trong những hành trang để tôi bước vào cuộc đời, lựa chọn bước đi cho chính mình
Trong nắng sớm, ngồi thu mình dưới giàn mướp, nhìn những trái mướp non đu qua đu lại trong gió, ngửi cái mùi rất quen của bông mướp, chợt thấy mình nhỏ lại, thấy thương hơn cuộc sống của quê nghèo, thương hơn sự lam lũ ngót một đời của ba, của mẹ mà vẫn lao đao.
Nguyễn Thành Giang