Nằm trong chuỗi các hoạt động giao lưu văn hóa trong năm 2014, Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu với một trong những cây bút nổi trội của văn học Nhật Bản, Takahashi Genichiro, tác giả của cuốn tiểu thuyết “Vĩnh biệt các gangster”, vừa xuất hiện trên thị trường sách dịch của Việt Nam. Chương trình diễn ra tại Hà Nội ngày 10/3 và tại TP Hồ Chí Minh ngày 12/3.
Trong buổi nói chuyện, Takahashi Genichiro giới thiệu về tác phẩm nổi bật “Vĩnh biệt các gangster” của ông và cũng đề cập đến những vấn đề đáng quan tâm hiện nay của nền văn học đương đại.
Takahashi Genichiro sinh tại Onomichi, quận Hiroshima, Nhật Bản. Ông đã theo học tại khoa Kinh tế của Đại học Quốc gia Yokohama, nhưng bỏ ngang không tốt nghiệp. Là một sinh viên có tư tưởng tiến bộ, ông đã từng bị bắt và trải qua nửa năm ở tù, điều đó khiến cho ông mắc phải chứng bệnh mất khả năng ngôn ngữ. Bác sĩ khuyên ông nên bắt đầu viết lách để hồi phục khả năng ngôn ngữ của mình. Từ tháng 4/2005, ông bắt đầu dạy học tại khoa Quốc tế, trường Đại học Meiji. “Sayonara, Gyangutachi” (“Vĩnh biệt các gangster”) là tiểu thuyết đầu tay của Takahashi được xuất bản vào năm 1982 và đoạt giải thưởng “Tiểu thuyết đầu tay xuất sắc” của Giải thưởng văn học Gunzo. Giới phê bình cũng ca ngợi cuốn sách như là một trong những tác phẩm quan trọng của văn học Nhật Bản thời hậu chiến. Tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh, Italy, Brazil và Bồ Đào Nha. Bản dịch tiếng Việt cũng đã được Công ty Nhã Nam xuất bản vào năm 2013, dưới sự hỗ trợ về tài chính của Quỹ Giao lưu quốc tế Nhật Bản.
Ngoài ra, ông còn có tác phẩm “Yuga de kansho-teki na Nippon-yakyuu” (“Bóng chày Nhật Bản: Quyến rũ và Tình cảm”) đoạt giải thưởng Mishima Yukiko vào năm 1988 và tác phẩm “Nihon bungaku seisui shi” (“Thăng trầm của nền văn học Nhật Bản”) đoạt giải thưởng Văn học Itoh Sei. Năm 2012, tác phẩm “Sayonara Christopher Robin” ("Vĩnh biệt, Christopher Robin") đã giành được giải thưởng Văn học Tanizaki. Takahashi Genichiro còn được biết đến với các bài tiểu luận đề cập đến nhiều chủ đề từ phê bình văn học cho đến đua ngựa.