Lớp dạy chữ Khmer vào dịp hè tại chùa Tháp, xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Nguồn ảnh: baocantho.com.vn |
Qua đó góp phần quan trọng gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào Khmer trong tỉnh nói riêng và đồng bào Khmer Nam bộ nói chung.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thành Nguyện cho biết, từ khi tái lập tỉnh vào năm 1992, việc dạy và học chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc được phát triển mạnh mẽ. Ngoài việc dạy chữ trong trường học, việc dạy chữ Khmer tại các chùa Khmer trong tỉnh được Ban Quản trị các chùa, Hội Khuyến học các địa phương tổ chức, tạo nên phong trào bền vững trong suốt 25 năm nay.
Từ khi thực hiện Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình tiếng Khmer cấp Tiểu học và cấp Trung học Cơ sở, tỉnh Trà Vinh đã có 94 trường Tiểu học, 136 điểm chùa Khmer và 7 trường Phổ thông dân tộc nội trú tổ chức giảng dạy, với 14.921 học sinh Tiểu học và 1.139 học sinh Trung học Cơ sở theo học.
Có thể nói, việc dạy và học chữ Khmer ở cấp Tiểu học và cấp Trung học Cơ sở đã giúp học sinh Khmer hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng chữ Khmer, mở rộng hiểu biết về văn hóa dân tộc của mình, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết dân tộc và ý thức công dân Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp.
Cấp Tiểu học giúp cho học sinh các kỹ năng cơ bản về nghe, nói, đọc, viết chữ Khmer trên cơ sở học âm vần, thực hành giao tiếp văn bản và thông qua thực hành ngôn ngữ. Bậc Trung học Cơ sở tiếp tục củng cố và phát triển cho các em các kỹ năng sử dụng chữ Khmer, trong đó chú trọng kỹ năng đọc viết, rèn luyện các kỹ năng ngôn ngữ, cung cấp kiến thức cơ bản về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, phong cách của chữ Khmer.
Em Thạch Thị Diệu (22 tuổi, huyện Cầu Ngang) hiện là sinh viên trường Đại học Trà Vinh vẫn theo học chữ Khmer tại chùa Kompong vào các buổi tối trong tuần. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam
|
Qua đó, mở rộng hiểu biết về con người, cuộc sống, văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ cũng như các dân tộc khác ở Việt Nam và trên thế giới cho học sinh Khmer. Hiện tại, nhiều địa phương đã phát triển và nhân rộng giảng dạy chữ Khmer trong cộng đồng. Với tinh thần trách nhiệm, các vị sư sãi, Àchar tham gia dạy Khmer ngữ cho học sinh Khmer trong các tháng hè hay các lớp dạy chữ Pali cho tăng sinh, học sinh xuyên suốt trong năm học.
Điển hình như các huyện: Trà Cú, Châu Thành, Cầu Ngang, Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè… Tại huyện Châu Thành, năm học 2016-2017, các chùa Khmer trong huyện tham gia mở 95 lớp Ngữ văn Khmer (Ngữ văn Khmer, từ lớp 1-5), với 1.569 tăng sinh và học sinh theo học; 16 lớp sơ cấp Pali ( từ lớp 6-9) với 400 tăng sinh, học sinh theo học; 102 lớp trung cấp Pali Khmer (lớp 10-12) với 48 tăng sinh, học sinh theo học.
Ông Tống Lâm Vuông, Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Thành cho biết, phong trào dạy học chữ Khmer trên địa bàn huyện đã được tổ chức và duy trì từ nhiều năm nay. Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, công tác xã hội hóa trong dạy học chữ Khmer được các Sư cả và Ban Quản trị chùa, Hội Khuyến học địa phương tham gia rất tích cực, như hỗ trợ vật chất về sách vở, bút viết, xe đạp… tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên đứng lớp duy trì bền vững.
Cụ thể, năm học 2016-2017, thông qua mô hình xã hội hóa, huyện Châu Thành đã vận động hỗ trợ 884 giáo viên với số tiền 84 triệu đồng; hỗ trợ 86 tăng sinh và học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên 61 triệu đồng; tặng 9.000 quyển tập và 3.500 cây bút (giá trị gần 40 triệu đồng).
Ngoài ra, các vị Sư cả, Ban Quản trị chùa còn trực tiếp trao học bổng và nhận đỡ đầu cho 55 học sinh nghèo, với số tiền trên 16 triệu đồng. Ngoài các điểm dạy chữ Khmer trong chùa, các vị Àchar và Trưởng Ban nhân dân các ấp còn tận tình tổ chức điểm học tập tại nhà của mình, như: ông Sơn Thuôn Đa Ra, Trưởng ban Nhân dân ấp Thanh Trì B; Àchar Thạch Tha ấp Ba Tiêu, ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành...
Chùa Mỏ Neo ở ấp Hương Phụ B, xã Đa Lộc hiện đang mở hai lớp dạy chữ Pali Khmer có 15 tăng sinh và học sinh theo học; 10 lớp dạy chữ Khmer trong dịp hè (bậc Tiểu học) có 194 học sinh theo học. Sư cả Nhì Thạch Sây Ha La cho biết, các giáo viên và Àchar tham gia giảng dạy không có chế độ chính sách thù lao.
Nhà chùa được Hội Khuyến học huyện và bà con phật tử hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi lợn đất tập thể hàng năm khoảng 5- 8 triệu đồng để mua sách vở, trao hoc bổng, khen thưởng cho học sinh. Việc dạy chữ Khmer cho con em đồng bào dân tộc ở Trà Vinh đã trở thành phong trào mạnh mẽ. Phong trào này đã góp phần quan trọng gìn giữ, phát huy tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer, giáo dục hiệu quả về đạo đức, nhân cách cho các em học sinh dân tộc.