Giữ gìn tiếng Việt

Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, đa số các quốc gia đều sử dụng để giao thương, giao tiếp và quan hệ hữu nghị. Trong các môn học ở trường, tiếng Anh cũng khẳng định vị trí của mình. 

Các chương trình phần mềm, phần cứng máy tính đều là tiếng Anh nên đòi hỏi người sử dụng phải thông hiểu tiếng Anh lĩnh vực IT (Information Technology). Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta xao lãng tiếng mẹ đẻ.

Một bộ phận giới trẻ hiện nay, nhất là giới nghệ sĩ, thích đặt cho mình một biệt danh mang phong cách phương Tây như: Angela Phương Trinh, Noo Phước Thịnh, Kenny Sang, dù họ là người Việt Nam hoàn toàn chứ không phải có nguồn gốc ngoại quốc hay Việt kiều. Hay có những cái tên dù thuần Việt nhưng lại phải gọi ngược họ sau, tên trước cho giống người ngoại quốc: Trang Trần, Hà Tăng, Hà Hồ… Lại có nhiều ca sĩ tung album với nội dung hát bằng tiếng Việt (hoặc song ngữ), nhưng phải đặt cái nhan đề tiếng Anh cho nó kiêu sa: My way, Nonstop, I do, Yesterday & now, To the beat … Ngay cả tên công trình, tên các cửa hàng, các quán ăn… cũng phải mang tên tiếng Anh cho oách. Hầu như các tòa nhà cao tầng hiện nay đều chọn cái tên tiếng Anh chứ ít ai sử dụng tiếng Việt: Parkson, Diamond, Bitexco Financial,Yoko…
 
Trong giao tiếp giữa người Việt với người Việt, cũng xuất hiện kiểu “nửa nạc nửa mỡ”. Đang nói, viết tin nhắn tiếng Việt chuyển qua tiếng Anh. Hoặc sử dụng cả một câu nói tiếng Việt nhưng lại đệm vô từ: Thank you, I’m sorry, Oh my god, Take care… Thay vì dùng từ: Cảm ơn, tôi xin lỗi, ôi trời ơi, bảo trọng… Nhiều người chống chế rằng nói, viết kiểu đó cho nhanh gọn. Thực sự chẳng gọn tí nào, bởi có nhiều từ còn dài ký tự hơn cả tiếng Việt(ví dụ như Thank you).

Trên một số tờ báo in hiện nay, người ta cũng dùng tiếng Anh tạp nham vô lề lối. Thay vì tham dự sự kiện thì lại nói tham dự event, đi sinh nhật nói đi birthday, đi ăn tiệc nói đi party, khẩu hiệu lại nói slogan… Nhất là các tờ báo dành cho tuổi học trò, viết lung tung cả lên, lại thêm pha tiếng lóng nên có thể người lớn tuổi đọc sẽ không hiểu gì. Còn người trẻ sẽ dễ ảnh hưởng bởi ngôn ngữ nước ngoài, ngôn ngữ mạng mà dần xa tiếng mẹ đẻ.

Đồng ý rằng một số từ tiếng Anh sử dụng thông dụng hiện nay như Yes, No, online, offline, download... Và nó mặc nhiên phải dùng tiếng Anh mới nhấn mạnh được giá trị nội dung, thay vì dịch ra tiếng Việt. Nhưng không thể lạm dụng, tùy tiện làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Mặt khác làm cho tiếng Anh trở nên tạp nhạp, xáo trộn. Tiếng Việt là ngôn ngữ tuyệt vời, là bản sắc văn hóa của người Việt cần được bảo tồn, duy trì và phát huy. Đừng vì sính ngoại rồi quên mất giá trị của bản sắc văn hóa Việt. Tiếng Việt sẽ dần lai tạp, vay mượn, mất gốc một khi mỗi cá nhân không có ý thức trân trọng, nâng niu. Đã đến lúc mỗi người Việt cần thể hiện lòng yêu nước, yêu văn hóa thông qua việc nói, viết tiếng Việt sao cho đúng chính tả và chuẩn mực.

Đặng Trung Thành

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN