Không chỉ vậy, khi gia đình có điều kiện, anh Sâu đã hỗ trợ vật chất, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để bà con trong bản, trong xã có hoàn cảnh khó khăn cùng vươn lên.
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại xã vùng sâu Khun Há, khi lập gia đình, được bố mẹ cho một mảnh đất nhỏ, vợ chồng anh Sâu dựng nhà ở, diện tích còn lại anh phát nương để trồng ngô và xen canh loại cây khác theo mùa vụ. "Đủ ăn đã khó chứ chưa nghĩ gì đến việc tích tiền làm kinh tế. Nhất là khi có con, cuộc sống càng khó khăn hơn. Dù mình quyết tâm thoát nghèo nhưng không có sự giúp đỡ về vật chất cũng không thể làm được” - anh Sâu tâm sự.
Anh Lù A Sâu đang chăm đàn lợn của mình. |
Năm 2012, nhờ Dự án giảm nghèo các tỉnh miền núi phía Bắc giai đoạn II hỗ trợ cho những hộ khó khăn có ý chí quyết tâm thoát nghèo, anh Lù A Sâu cùng 9 hộ khác của bản Sin Chải được hỗ trợ lợn giống. Từ một con lợn của dự án, anh đã chăm sóc để lợn sinh sản, rồi bán cho bà con. Lấy ngắn nuôi dài, anh tích vốn mua đất để trồng ngô, lúa phục vụ chăn nuôi, mua thêm gà, vịt, ngan làm trang trại. Năm 2015, nhận thấy nơi ở của gia đình không thuận tiện trong việc trao đổi, mua bán nông sản, anh Sâu đã dồn tiền mua 4 sào đất cạnh đường đến trung tâm xã để dựng nhà, chuyển một phần trang trại xuống để tiện cho việc chăn nuôi. Gia đình anh đào tiếp hai ao thả cá, đầu tư hơn 50 triệu vào chuồng trại, ao cá để mở rộng chăn nuôi.
Hiện nay, chuồng lợn của gia đình lúc nào cũng có ít nhất từ 15 - 20 con lợn thịt, 2 con lợn sinh sản, hàng trăm con gà, vịt và 2 ao cá. Đặc biệt từ khi được hỗ trợ giống rồi mở rộng chăn nuôi, trang trại của gia đình ít khi để xảy ra dịch bệnh. Để có được điều đó, anh Sâu thường xuyên học tập kiến thức từ sách báo. “Năm 2013, mình mua máy tính kết nối mạng Internet - đây chính là “thầy” của mình để mình học hỏi. Điều gì không biết mình lại tra mạng để bổ sung kiến thức, rồi hỏi cán bộ khi thấy có điều bất thường để chữa bệnh kịp thời” - anh Sâu chia sẻ. Hiện mô hình kinh tế trang trại của gia đình anh Sâu trừ chi phí cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhiều bà con trong bản đến tham quan mô hình trang trại và kinh nghiệm làm kinh tế của gia đình anh. Những hộ có nhu cầu, anh Sâu giúp đỡ cả về cây con giống, chia sẻ kinh nghiệm. Anh tâm sự: Khi mình đã thoát đói nghèo và có vốn, mình lại càng hiểu những mong muốn trước đây của những hộ nghèo như mình. Dù có ý chí muốn thoát nghèo nhưng họ rất cần được hỗ trợ vốn, cây, con giống.
Ông Cứ A Sử, Bí thư Đảng ủy xã Khun Há, huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Dựa vào những đầu tư, nguồn vốn, hỗ trợ sinh kế của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Khun Há đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo tiêu biểu như gia đình anh Lù A Sâu. Đây là tấm gương tiêu biểu trong việc xóa đói giảm nghèo của bản Sin Chải, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 20%.