Hương Lâm là 1 trong 3 xã của Thừa Thiên - Huế được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 231/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một địa phương có đông đồng bào Cơ Tu, nằm gần biên giới Việt - Lào, trước khi thực hiện chương trình 135, tỉ lệ hộ nghèo ở đây rất cao, nhưng nay đã giảm xuống còn khoảng 9%.
Cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc ít người khác, nhiều năm về trước, người dân Hương Lâm sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy và trồng lúa, song thu nhập không ổn định do diện tích canh tác ít, phương thức trồng trọt lạc hậu, dẫn tới nương rẫy ngày càng hoang hóa, bạc màu, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Chương trình 135 đã tiếp động lực cho xã trong hành trình xóa nghèo.
Bên cạnh đó, chính quyền xã Hương Lâm đã tích cực huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để giúp người dân vay vốn mua sắm tư liệu sản xuất. Mặt khác, chính quyền các cấp đã cử cán bộ khuyến nông, lâm, ngư đến các thôn, bản đẩy mạnh công tác vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, trồng trọt theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật; áp dụng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, trồng rừng… nhằm khai thác thế mạnh về tài nguyên rừng và đất rừng phát triển kinh tế hộ.
Nhờ đó, đến nay diện tích đất trống, đồi núi trọc... chỉ còn 87 ha. Ngoài mô hình kinh tế của địa phương là trồng lúa nước, Hương Lâm còn xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, là 1 trong 6 địa phương của A Lưới phát triển trồng cây cao su, nhà nào ở đây cũng nuôi lợn, cá, trâu, bò. Chính kinh tế hộ đã góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, góp phần xóa nghèo bền vững cho bà con các dân tộc tại Hương Lâm. Trong số đó, phải kể đến gia đình chị Hồ Thị Thời với mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, hay như gia đình chị Kăn Ly Thanh ở thôn A So 1, xã Hương Lâm, trước đây chỉ biết làm nương rẫy nên cuộc sống khó khăn lắm, nay nhờ cán bộ hướng dẫn kỹ thuật và được Hội liên hiệp phụ nữ xã cho vay vốn, gia đình chị đã nuôi lợn, trâu, bò, có thu nhập ổn định.