Gỡ các nút thắt để đạt mục tiêu GDP 5,5%

Theo khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm 2013, bên cạnh giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì cần hỗ trợ cả tổng cầu của nền kinh tế.

 

Trăn trở giải quyết bài toán tăng tổng cầu


Mặc dù GDP quý I/2013 đạt 4,89% - cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng trưởng GDP quý 1/2011 (tăng 5,53%) và quý 1/2010 (tăng 5,84%). Theo nhận định mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGSTCQG): Nguyên nhân chính khiến GDP đang gặp khó khăn là do tổng cầu yếu.

 

Hàng tồn kho giảm nhưng vẫn ở mức cao


Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 4 tháng đầu năm, tình hình sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao và sản phẩm đầu ra tiêu thụ chậm, sức mua yếu nên hàng tồn kho dù có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 1/4, hàng tồn kho công nghiệp chế biến vẫn tăng 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tình hình sản xuất tăng trưởng chậm được phản ánh khá rõ nét qua chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Chỉ số IIP 4 tháng đầu năm chỉ tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 5,9% của năm 2012 so với cùng kỳ năm 2011.


 

Hàng tồn kho đang là khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cũng cho biết, tính đến hết quý I/2013, một số ngành sản xuất còn có chỉ số tồn kho lên đến 40% như: nhựa và xi măng; sắt, thép... Tồn kho lớn khiến nhiều nhà máy sản xuất một số lĩnh vực trên phải hoạt động cầm chừng với công suất chỉ đạt 30 - 45%.


Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho biết: Theo dõi diễn biến thị trường từ những tháng cuối năm 2012 và quý I/2013 cho thấy, tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã đưa ra các chương trình khuyến mại giảm giá sâu để thu hút người tiêu dùng nhưng sức mua vẫn chậm. Đáng chú ý, ở một số siêu thị sức mua không tăng mà còn giảm, kể cả đối với các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.


Theo nhận định UBGSTCQG, chính vì sự suy yếu của DN trong giai đoạn này đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến đà phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua 4 tháng đầu năm, đã có 16.600 DN giải thể, ngừng hoạt động, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012. “Nguồn lực DN có hạn, sức mua thấp, điều kiện sản xuất của DN bị thu hẹp đang là một nút thắt của nền kinh tế Việt Nam”, lãnh đạo UBGSTCQG nhấn mạnh.


Tổng cầu của nền kinh tế yếu đã thể hiện rõ nét ở sức mua tiêu dùng thấp. Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 849.900 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,6%, đây được xem là mức tăng thấp. “Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng này là do thu nhập của người lao động bấp bênh, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng đã ảnh hưởng đến sức mua của dân cư; đồng thời tâm lý của người tiêu dùng vẫn có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế đang khó khăn”, TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) nhận định.

 

Kỳ vọng đẩy nhanh tái cơ cấu kinh tế, xử lý nợ xấu


Trong những tháng đầu năm, thông qua phát hành trái phiếu, NSNN đã huy động được nguồn vốn lớn để đầu tư nhằm gia tăng tổng cầu. Tổng mức huy động trái phiếu Chính phủ qua kênh đấu thầu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trong quý I/2013 đạt 62.852 tỷ đồng, tăng hơn 11.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân chậm đã khiến khả năng hỗ trợ tổng cầu từ ngân sách Nhà nước (NSNN) không đạt được hiệu quả như mong đợi do còn một lượng vốn lớn chưa được giải ngân…


Vì vậy, UBGSTCQG cho rằng, tốc độ hồi phục tổng cầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn liền với xử lý nợ xấu. “Nói cách khác, tổng cầu và tăng trưởng kinh tế sẽ được khôi phục nhanh khi tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế và xử lý nợ xấu cùng với tốc độ giải ngân vốn đầu tư từ NSNN được đẩy nhanh hơn nữa”, lãnh đạo UBGSTCQG nói.


Cùng với chú trọng tăng tổng cầu, các chuyên gia kinh tế cũng đề xuất các chính sách kinh tế phải hướng tới trọng cung, tức là chú trọng nâng cao năng suất lao động và nâng cao năng lực cung cấp của nền kinh tế. Chuyển từ chính sách ổn định tổng cầu sang chính sách trọng cung sẽ giúp nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng; cải thiện năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh.


Theo chuyên gia Ngô Trí Long, chính sách trọng cung dựa trên 3 nền tảng cơ bản: Một là, giảm mạnh các mức thuế và phí để khuyến khích các DN đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường, còn người tiêu dùng tăng tiêu dùng. Hai là, tiến hành mạnh mẽ các biện pháp cải thiện thị trường vốn thông thoáng, chính sách điều tiết giá phù hợp với cơ chế thị trường tạo điều kiện cho cung cầu gặp nhau. Ba là, chính sách tiền tệ phải ổn định, không quá mức “nới lỏng” hay “thắt chặt”.

 

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN