Hai ứng viên Tổng thống Mỹ công kích nhau về kế hoạch giảm chi

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống quan trọng, hai ứng cử viên gồm đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama của đảng Dân chủ và cựu Thống đốc Mitt Romney thuộc đảng Cộng hòa đã không ngừng công kích lẫn nhau với hy vọng làm sụt giảm uy tín của đối thủ và lôi kéo sự ủng hộ của các cử tri.

Luật cải cách hệ thống y tế và kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc gia là các vấn đề chính mà hai ứng cử viên này tập trung công kích và phản bác lẫn nhau.

Trả lời phỏng vấn chương trình "Gặp gỡ báo giới" (Meet The Press) của kênh truyền hình NBC ngày 9/9, ứng cử viên Cộng hòa Romney tiếp tục chỉ trích luật cải cách y tế của Tổng thống Obama và đề xuất thay thế luật này bằng luật mà ông từng ban hành tại bang Massachusetts khi còn là thống đốc bang này.

Tuy nhiên, ông Romney cho biết sẽ giữ lại một số điều khoản trong luật y tế được Tổng thống Obama ban hành cách đây hai năm, chẳng hạn như việc mở rộng diện được bảo hiểm y tế, kể cả những đối tượng đã được bảo hiểm và còn trẻ. Ông vẫn giữ quan điểm bãi bỏ luật cải cách y tế hiện hành của Tổng thống Obama, song chưa đưa ra đề xuất xin cấp tiền cho luật y tế do ông đề xướng.

Tổng thống Barack Obama phát biểu chấp nhận đề cử làm đại diện của đảng Dân chủ  tại đại hội, ngày 6/9. Ảnh: AFP/TTXVN


Về vấn đề kinh tế, ông Romney cảnh báo luật cắt giảm chi tiêu do Tổng thống Obama ký ban hành - có hiệu lực vào đầu năm 2013, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngân sách quốc phòng. Vị cựu Thống đốc này cho biết ngân sách quốc phòng sẽ bị tự động cắt một nửa trong trường hợp Quốc hội không đạt được một thỏa thuận về ngân sách trong vài tháng tới, và điều này sẽ ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.

Ông Romney thừa nhận việc các nghị sỹ Cộng hòa ủng hộ thỏa thuận ngân sách này của Nhà Trắng là một "sai lầm". Ông cũng đổ lỗi cho chính sách thuế của Tổng thống Obama, cho rằng đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ thất nghiệp của nước này tăng cao kỷ lục.

Trong khi đó, trong ngày thứ hai của chiến dịch vận động tranh cử tại bang Florida ở miền Đông nước Mỹ, Tổng thống Obama cũng phản bác các lập luận của đối thủ liên quan tới luật cải cách y tế. Trích dẫn một báo cáo vừa được công bố tại Mỹ, ông Obama cho biết luật y tế của ông Rômni sẽ làm tăng chi phí bảo hiểm cho người dân, đặc biệt là những người đã nghỉ hưu.

Cùng ngày, trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, Tổng thống Obama cam đoan rằng người dân Mỹ có thể mong chờ một chính sách cắt giảm chi tiêu đúng đắn nếu ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử sắp tới. Ông thừa nhận có một số chương trình chi tiêu lớn cần thiết, song vào thời điểm hiện tại chưa thực sự phù hợp và ảnh hưởng tới ngân sách chung nên cần phải tạm dừng (ám chỉ khoản ngân sách cắt giảm 1.000 tỷ USD đã được lên kế hoạch).

Phản bác ý kiến của đối thủ Cộng hòa cho rằng cách điều hành nền kinh tế yếu kém là nguyên nhân khiến nợ công của nước này leo thang kỷ lục lên mức 16 nghìn tỷ USD, ông chủ đương quyền của Nhà Trắng khẳng định một ngân sách cân bằng là bước đi đầu tiên hướng tới việc giải quyết những khó khăn tài chính. Ông cũng cho biết ông thừa hưởng một nền kinh tế yếu kém từ người tiền nhiệm đảng Cộng hòa George Bush với việc nợ công tăng cao do liên tục giảm thuế và chi phí cho hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Cùng ngày 9/9, ba ngày sau đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, kết quả thăm dò dự luận cho biết Tổng thống Obama đã nới rộng thêm khoảng cách dẫn điểm trước đối thủ Mitt Romney.

Ông Mitt Romney tại phiên bế mạc Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa Mỹ ngày 30/8.  Ảnh: AFP/ TTXVN


Kết quả thăm dò chung của Reuters/Ipsos cho biết trong số 1.419 cử tri trên cả nước được phỏng vấn ngẫu nhiên qua điện thoại, có 47% nói rằng nếu cuộc bầu cử được tổ chức ngay lúc này họ sẽ bỏ phiếu bầu ông Obama thêm nhiệm kỳ bốn năm nữa trong khi có 43% muốn bỏ phiếu đưa ông Romney lên thế chỗ của ông Obama. Như vậy, uy tín của ông chủ đương quyền Nhà Trắng đã tăng 1% so với mức giảm 1% (46%-44%) của vị cựu thống đốc 65 tuổi, theo kết quả thăm dò ngày 8/9 cũng của hai tổ chức này.

Chuyên gia thăm dò của Ipsos, bà Julia Clark cho biết tỷ lệ cử tri ủng hộ tăng là một tin tốt lành với ông Obama, nhất là trong bối cảnh người thất nghiệp vẫn gia tăng và dư luận có những phản ứng lẫn lộn về bài phát biểu tối 6/9 của ông chấp nhận sự đề cử chính thức của đảng Dân chủ để ra tranh cử nhiệm kỳ hai.

Ông Obama dẫn ông Romney với tỷ lệ cách biệt 50%-25% về khả năng hùng biện và được đánh giá là chính khách gần gũi với người dân hơn trong khi ông Romney chiếm ưu thế (44%-31%) so với ông Obama trong vấn đề tín ngưỡng.

Một chiều hướng tích cực đối với ông Romney là ở thời điểm hiện tại có 35% cử tri độc lập cam kết ủng hộ so với 31% đứng về phía ông Obama.

Tuy nhiên, trong vấn đề công ăn việc làm, có 32% cử tri độc lập cho rằng ông Obama là người sẽ bảo vệ việc làm cho người dân Mỹ so với 27% nghĩ rằng ông Romney sẽ làm việc này.

Có một tình tiết thăm dò buộc Nhà Trắng phải quan tâm, đó là 72% cử tri cho rằng nền kinh tế và tình hình nợ quốc gia của Mỹ là đáng lo ngại so với 66% lo lắng về công ăn việc làm. Có 54% cử tri có sự nhìn nhận tích cực về đương kim tổng thống so với 49% nghĩ tốt về ông Romney.


TTXVN/ Tin Tức

Bầu cử Mỹ 2012:Tổng thống Obama cam kết phục hồi vị thế của Mỹ
Bầu cử Mỹ 2012:Tổng thống Obama cam kết phục hồi vị thế của Mỹ

Trong bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của đảng Dân chủ để tái tranh cử ghế tổng thống Mỹ, đương kim Tổng thống Barack Obama ngày 7/9 đã cam kết phục hồi vị thế của nước Mỹ và kêu gọi người ủng hộ không từ bỏ giấc mơ “Thay đổi” - khẩu hiệu tranh cử của ông trong cuộc bầu cử năm 2008.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN