Hạn chế đầu tư "vô bổ" vào vàng

Trong hai tuần vừa qua, giá vàng thế giới giảm mạnh, nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Giá vàng Việt Nam tuy cũng chịu tác động của giá vàng thế giới nhưng phần lớn lại được điều chỉnh dưới tác động của các chính sách điều hành trong nước.

 

Khách hàng mua vàng tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu.

Chuyên gia kinh tế độc lập Phạm Nam Kim, hiện đang sinh sống ở Thụy Sỹ, cho rằng trong bối cảnh kinh tế đất nước còn bộn bề khó khăn, nhiều doanh nghiệp giải thể vì thiếu vốn, cần phải làm sao hạn chế đầu tư "vô bổ" vào vàng để chuyển dòng tiền vào sản xuất, vì mỗi một đồng mua vàng là một đồng mất đi cho tiềm năng phát triển đất nước.

 

Hàng chục tỷ USD vốn chết?


Tâm lý người dân Việt Nam cũng không khác với người dân trên thế giới. Trong thời kỳ bao cấp chưa có hệ thống ngân hàng, tiền đồng Việt Nam đã bị phá giá hai lần nên người dân chỉ tin vào vàng để bảo tồn giá trị tài sản. Ngoài ra khi lạm phát gia tăng đồng tiền mất giá rất nhanh, nên vàng trở thành công cụ thanh toán và cũng là cán cân đo lường giá trị. Quan niệm này thể hiện rất rõ qua những vụ mua bán nhà đất hay bất cứ một vật dụng có giá trị nào thường được người dân quy đổi ra "cây vàng". Tới thời kỳ kinh tế phát triển, tâm lý này vẫn tồn tại và tiền tiết kiệm một phần họ mua vàng. Hơn thế nữa, vàng còn trở thành một kênh đầu cơ, ngang hàng với chứng khoán, bất động sản hay đồng USD, dòng tiền đầu cơ cứ quay vòng qua mấy kênh đầu tư này.


Ước tính, quy mô thị trường vàng Việt Nam khá lớn có tới 400 đến 500 tấn vàng trong dân, tương đương với hơn 20 tỷ USD. Trên phương diện kinh tế vĩ mô, số vốn không nhỏ này là số vốn "chết", không giúp gì cho sự phát triển kinh tế quốc gia. Thật vậy, nguyên tắc là tiết kiệm quốc gia phải được đầu tư lại vào hệ thống sản xuất, độ tăng trưởng kinh tế tùy thuộc vào lượng đầu tư này, nếu tiết kiệm quốc gia lại đổi thành vàng cất giấu ở nhà thì quả thực là rất lãng phí. Bài toán của tất cả các quốc gia là làm giảm lượng tiết kiệm vàng hoặc biến lượng tiết kiệm này thành đầu tư.


Theo chuyên gia Phạm Nam Kim, Việt Nam đã giải được bài toán này, khi các ngân hàng thương mại có quyền huy động vàng và từ đó biến thành tín dụng, tài trợ vốn cho sự phát triển quốc gia. Quy định cho phép huy động vốn bằng vàng đã cho phép vàng thực hiện một phần chức năng tiền tệ ở mức độ nhất định. Rất tiếc, vừa rồi đã xảy ra một số bất cập khiến Ngân hàng Nhà nước cấm việc huy động vàng của các ngân hàng thương mại và người có vàng chỉ có thể lựa chọn giữ tại nhà và như vậy 20 tỷ USD lại trở thành vốn "chết".


Trong thời gian qua, người dân tự động chuyển qua tích trữ vàng và nguồn cầu tăng mạnh vì kinh tế bất ổn, lãi suất “thực” ở mức âm do lạm phát, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản không được lựa chọn. Trong khi đó, thị trường vàng Việt Nam là một thị trường kiểm soát, thiếu sự thông suốt với thị trường thế giới nên giá vàng Việt Nam chênh với giá vàng thế giới.


Trong phiên họp vừa rồi, Nghị quyết của Quốc hội đã nêu rõ một trong những mục tiêu năm 2013 là “Khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước liên thông và sát với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”. Đó là nguyên nhân Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tổ chức 9 phiên đấu thầu bán vàng và tung ra tổng cộng 10 tấn vàng, tương đương 450 triệu USD. Phiên đấu thầu đầu tiên gặp khó khăn, nhưng các phiên sau được sự hưởng ứng tích cực của thị trường.


Tuy nhiên, giá vàng Việt Nam vẫn cao hơn giá vàng thế giới và vào những thời điểm giá vàng thế giới lao dốc thì sự chênh lệch này lại đạt kỷ lục chưa từng thấy. Điều này chứng tỏ sự thiếu thông suốt giá cả của hai thị trường trong và ngoài nước. Một khi có sự khác biệt về cung-cầu giữa hai thị trường thì tất nhiên sẽ có độ chênh rất khó giải quyết. Nhà nước vẫn kiểm soát chặt đầu vào thì Ngân hàng Nhà nước có bán hết dự trữ vàng cũng chưa chắc cân bằng được quan hệ cung cầu, mục tiêu ổn định thị trường vàng nội địa của Ngân hàng Nhà nước cũng khó đạt được kết quả.


Dưới góc độ kinh tế vĩ mô, khi Ngân hàng Nhà nước bán ra 10 tấn vàng thì đã trực tiếp rút khoảng 450 triệu USD khỏi thị trường vốn, đóng băng số vốn này dưới dạng vàng tích lũy của dân cư, ngăn chặn sự chuyển đổi thành đầu tư cần thiết cho phát triển quốc gia. Số vốn này tương đối nhỏ so với nhu cầu vốn quốc gia, nhất là trong giai đoạn tái cấu trúc nền kinh tế, tuy nhiên nó là tín hiệu không tốt cho giới đầu tư quốc nội cũng như nước ngoài về sự quyết tâm, nhất trí vực dậy nền kinh tế quốc gia. Hơn thế nữa, nếu gộp với quyết định cấm huy động vàng, thì Ngân hàng Nhà nước vô hình trung đã loại ra khỏi thị trường vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD, tương đương gần một phần năm GDP.

 

Việt Nam nên làm gì?


Từ xưa đến nay, vàng luôn chứng tỏ khả năng là "nơi trú ẩn an toàn". Tâm lý con người đều cố gắng làm sao giữ được giá trị của những gì mình dành dụm được. Thước đo sự tin tưởng vào tình hình chính trị, kinh tế là mấu chốt quan trọng nhất của thị trường vàng.


Sự khác biệt giữa Việt Nam và những quốc gia phát triển là ở cơ cấu thị trường. Ở những nước này thị trường vàng hoàn toàn tự do, chính quyền chỉ có thể can thiệp vào để bảo đảm chất lượng hàng hóa và định các loại thuế, ngân hàng trung ương cũng không còn bị ép buộc có dự trữ vàng để bảo đảm đồng tiền của mình. Chuyên gia Kim cho rằng trong một thị trường tự do như vậy thì giá vàng quốc gia chênh lệch không nhiều so với giá vàng thế giới. Để làm được việc này mà không để lại những hệ lụy khôn lường cho nền kinh tế thì cần phải mở cửa thị trường vàng Việt Nam. Chiến lược dài hạn của Việt Nam đối với vàng cũng không khác những quốc gia khác là hạn chế đầu tư vào vàng để dòng tiền có thể đổ vào đầu tư sản xuất. Việc cần làm đầu tiên là giữ vững niềm tin vào sự ổn định của nền kinh tế trong tương lai. Việc này có lẽ không quá khó vì người dân Việt Nam đã được xếp thứ hai trên thế giới về cái nhìn lạc quan về tương lai của mình. Việc thứ hai cần làm là với số vàng trong dân khổng lồ như vậy, phải tạo điều kiện để biến số vốn này thành đầu tư. Cụ thể nên xem lại quy chế huy động vàng của ngân hàng thương mại. Trên lĩnh vực này nên theo gương những quốc gia đi trước, đặc biệt là Thụy Sĩ, nước đã có tới 40 năm kinh nghiệm trong việc mở và quản lý tài khoản vàng.


Tố Uyên (P/v TTXVN tại Thụy Sĩ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN