Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) rút chính sách nới lỏng định lượng lần 3 (QE3) vào tháng 9 này gần như đã trở thành nhận thức chung của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Vấn đề quan tâm hiện nay là hành động của FED sẽ tác động như thế nào đối với thị trường chứng khoán vốn được coi là phong vũ biểu của nền kinh tế, và liệu một phiên bản QE mới sẽ lại xuất hiện khi kinh tế Mỹ phục hồi yếu ớt?
Trước khi đưa ra quyết định về QE3, FED đã kết thúc QE1 và QE2. |
Sớm nhất là vào 1 giờ sáng 19/9 (theo giờ Việt Nam), sau khi kết thúc hội nghị bàn về vấn đề lãi suất, FED sẽ tuyên bố về việc cắt giảm quy mô chương trình mua trái phiếu. Hành động này của FED chủ yếu xuất phát từ sự cải thiện của kinh tế Mỹ, nhưng cũng liên quan tới việc ông Ben Bernanke chuẩn bị rời khỏi vị trí Chủ tịch FED và được cho là muốn tạo tiền lệ mang tính dấu ấn. Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, việc cắt giảm QE3 sẽ diễn ra trước cuối năm 2013 và kết thúc trong năm 2014.
Trước khi đưa ra quyết định về QE3, FED đã kết thúc QE1 và QE2, lần lượt vào cuối tháng 3/2010 và cuối tháng 6/2011. Vào thời điểm cuối QE1 và QE2, thị trường chứng khoán đã xuất hiện điều chỉnh. Tuy nhiên, tâm lý trông ngóng vào phiên bản QE mới đã giúp thị trường dần trở lại với xu thế tăng. Lần này, tình hình xem ra đã khác. Chương trình mua trái phiếu không có kỳ hạn, cho nên, dự đoán hợp lý là sẽ không có QE4. Cộng thêm vấn đề trần nợ công của Mỹ đang nóng trở lại cũng như vấn đề Syria chỉ tạm lắng, chưa được giải quyết, việc FED rút QE3 đã làm dấy lên quan ngại về khả năng xuất hiện một “cơn bão” mới trên TTCK.
Trên thực tế, khả năng FED rút QE3 đã được đề cập từ tháng 5/2013. Từ đó tới nay, thị trường chứng khoán tuy có biến động, lãi suất trái phiếu cũng tăng lên, nhưng xu thế chung vẫn không bị đứt đoạn, thậm chí còn liên tiếp lập kỉ lục. Kết quả điều tra của hãng Bloomberg đối với 900 nhà đầu tư và chuyên gia phân tích cũng cho thấy 57% cho rằng việc FED chính thức cắt giảm QE3 sẽ không gây biến động trên thị trường chứng khoán, 8% cho rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng điểm và chỉ có chưa đầy 30% nói rằng thị trường chứng khoán sẽ giảm điểm.
Nếu mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, việc cắt giảm QE3 sẽ diễn ra trước cuối năm 2013 và kết thúc trong năm 2014. |
Sự tin tưởng của phần lớn các nhà đầu tư càng được củng cố sau khi cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, nhân vật tỏ ý nghi ngờ tác dụng của chương trình mua trái phiếu, rút khỏi cuộc đua vào chức Chủ tịch FED. Điều đó có nghĩa Phó Chủ tịch FED đương nhiệm, bà Janet Yellen, sẽ trở thành ứng viên sáng giá nhất cho chức vụ đứng đầu FED. Thái độ ôn hòa của bà Yellen được nhìn nhận như một tín hiệu tốt cho các tài sản rủi ro, bao gồm chứng khoán.
Hơn nữa, dù FED cắt giảm QE vì lý do gì cũng phải tính tới sự ổn định của nền kinh tế. Do vậy, hành động này chắc chắn phải diễn ra từ từ. Theo nhiều chuyên gia, thời gian có thể là trên một năm. Nhưng đó là trong kịch bản thuận buồm xuôi gió. Nếu kinh tế Mỹ tiếp tục xuất hiện dấu hiệu không khả quan, thời gian cắt giảm QE của FED có thể bị đẩy lùi. Theo hãng quản lý và tư vấn tài chính hàng đầu thế giới Merrill Lynch, sớm nhất là vào tháng 12/2013 mới bắt đầu. Trong trường hợp kinh tế Mỹ xấu đi rõ ràng, Marc Faber cho rằng FED nhất định sẽ phải tăng quy mô QE. Trả lời phỏng vấn tờ “Nhật báo Kinh tế” của Hong Kong, vị chuyên gia được mệnh danh là “Tiến sĩ Ngày Tận thế” này nhận định khi đó, “quy mô mua trái phiếu hàng tháng có thể lên tới 150 tỉ USD/tháng”.
Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)