Hãy nghe trẻ em nói

1. Đã có 34.500 ý kiến đóng góp của trẻ em được gửi đến cơ quan có trách nhiệm qua cuộc thăm dò ý kiến trẻ em về việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (đơn vị chủ trì), ý kiến của trẻ em từ các diễn đàn, từ các cuộc gặp với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phản ánh qua các cơ quan thông tin đại chúng, mạng Internet… không chỉ giới hạn trong các vấn đề ở trường học, vấn đề của tuổi học trò…, mà còn đề cập nhiều vấn đề “quốc kế dân sinh”, những chuyện nóng được toàn xã hội quan tâm, như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, chăm sóc sức khỏe y tế, việc làm cho sinh viên sau khi ra trường, sử dụng chất xám... Những ý kiến trẻ em nêu thật sự bổ ích cho các nhà làm luật, các nhà hoạch định chính sách khi giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em. Trên tất cả, là có thêm một “kênh” phát huy nội lực, từ nhiều khối óc tuy còn non trẻ, song đã biết nói và dám nói.

 

2. Năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp TP Hồ Chí Minh tổ chức diễn đàn lắng nghe ý kiến trẻ em. Tại diễn đàn này, từ lãnh đạo thành phố, đến giám đốc các sở, ngành đều tham gia trả lời các câu hỏi mà trẻ em quan tâm. Có thể nói, đây là một sáng kiến trong cách làm “do dân - vì dân” của lãnh đạo thành phố. Dù chỉ vài giờ đồng hồ dành cho sự “lắng nghe”, lãnh đạo thành phố cũng đã thật sự hài lòng khi được tiếp thu những đóng góp hồn nhiên, vô tư nhưng rất sát thực của trẻ. Có em mong lãnh đạo thành phố quan tâm nhiều hơn đến vấn đề giảm các vụ nữ sinh bạo lực. Có em kể về cảnh sống thiếu thốn của một bạn hàng xóm với mong muốn được nhiều người giúp đỡ. Em thì bày tỏ những mất mát của gia đình mình xuất phát từ những vụ bạo hành và cãi lộn của cha mẹ. Em lại thể hiện mong muốn cha mẹ mình đừng bao giờ vi phạm luật lệ giao thông. Em nêu ước ao khu phố mình không còn người ăn xin... Có em còn tranh luận với lãnh đạo thành phố về vấn đề đầu tư cho giáo dục, đồng thời kiến nghị cần quan tâm nhiều hơn đến điều kiện học tập của các bạn ở khu vực nông thôn, hỗ trợ con em các gia đình nghèo có điều kiện đến trường…

 

3. Ý kiến đóng góp của các em thật giản dị, nhưng rất đáng để người lớn phải suy nghĩ. Những điều tưởng như đơn giản, nhưng rất hệ trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nhân cách của trẻ có được hoàn thiện hay không, chính là bắt nguồn từ những câu trả lời, lời nói tưởng là nhỏ nhoi ấy; cũng bắt nguồn từ sự lắng nghe, chia sẻ, sự quan tâm sâu sát của người lớn - những người làm cha làm mẹ. “Hãy nghe trẻ em nói” - vâng những người lớn chúng ta hãy lắng nghe với tinh thần trách nhiệm, để xem xét, giải quyết thấu đáo những vấn đề được thai nghén, chắt lọc từ tư duy trong sáng của trẻ trong cuộc sống hôm nay và cả mai sau.

 

Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN