Hé mở cánh cửa đối thoại cho Ukraine

Sức nóng về quân sự liên quan đến Crưm trong những ngày gần đây dường như muốn nói rằng: Đã đến lúc các bên liên quan ở Ukraine cần phải đi đến giải pháp đàm phán.


Crưm tuyên bố tự ổn định tình hình


Phát biểu trước báo giới ngày 3/3, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng Chính phủ) Cộng hòa Crưm tự trị Sergey Aksyonov cho biết: chính quyền Crưm sẽ thành lập Bộ Quốc phòng, coi đây là nhân tố quan trọng giúp ổn định tình hình tại bán đảo này. Ông Aksyonov tuyên bố, chính phủ mới sẽ nỗ lực tạo lập hòa bình, mong muốn có được quan hệ hữu nghị với các bên; khẳng định “đến tháng 5 tới, Crưm sẽ trở lại là vùng đất thanh bình, yên tĩnh, hòa nhã”. Khi được hỏi về việc nước cộng hòa tự trị này đề nghị Nga giúp đỡ, ông Aksyonov nhìn nhận, đó chỉ là những trợ giúp về nguồn lực vật chất, vì chính quyền Kiev không làm được gì cho người dân Crưm. Ông cũng khẳng định, Crưm không yêu cầu Moskva giúp đỡ quân sự, vì chính quyền Crưm có đủ sức mạnh tự vệ của riêng mình.


Cũng trong ngày 3/3, hãng tin Itar - Tass dẫn nguồn tin từ chính quyền Crưm cho biết: Đã có 3.000 binh sĩ Ukraine chuyển sang ủng hộ, tuyên thệ trung thành với người dân Crưm. Việc chuyển đổi này diễn ra một cách “hòa bình”. Trước đó, phóng viên các hãng thông tấn Nga tại thủ phủ Simferopol của Crưm đưa tin, các lực lượng vũ trang Ukraine đóng tại Crưm đã rời khỏi doanh trại, nộp đơn từ nhiệm và lực lượng tự vệ Crưm tiếp quản các doanh trại, vũ khí, khí tài quân sự. Trang tin RT (Nga) cho hay, khu trục hạm Hetman Sahaidachny đã bất tuân lệnh từ chính quyền Kiev, thượng cờ của Hải quân Nga trên tàu. Sau đó, cũng trong ngày 2/3, Tư lệnh Hải quân Ukraine mới được bổ nhiệm Denis Berezovsky tuyên bố đứng về phía chính quyền Crưm và được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng hải quân vừa được thành lập của nước CH tự trị này.


Các bên buộc phải tính đến đàm phán


Ngày 3/3, Itar - Tass đưa tin Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G - 7) ra thông báo khẳng định các nước thành viên thuộc Nhóm đã dừng mọi hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G - 8 dự kiến được tổ chức tại Sochi (Nga) vào tháng 6 tới, sau khi Moskva đưa quân tới Ukraine. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo Nga có thể mất tư cách thành viên Nhóm G-8 cũng sau động thái điều binh này.


Về phần mình, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin nhìn nhận, quyết định của Hội đồng Liên bang Nga thông qua đề nghị của Tổng thống Vladimir Putin đưa quân đến Crưm để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng người Nga thể hiện sự “nghiêm túc” trong các ý định của Kremlin. Ông Karasin nhấn mạnh, Nga không hề có ý xâm phạm chủ quyền của Ukraine và không thể xảy ra chiến tranh Nga - Ukraine.


Lập trường của Nga về Ukraine đã nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc. Trong cuộc điện đàm ngày 3/3, Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã ghi nhận "các quan điểm tương đồng của hai bên về tình hình đã và đang diễn ra tại Ukraine cũng như ở xung quanh nước này". Hai bên sẽ tiếp tục liên hệ chặt chẽ với nhau về tình hình ở Ukraine.

Nga đã trải qua một “cú sốc” tài chính trong ngày 3/3 khi thị trường chứng khoán Moskva sụt giảm 10% và đồng rouble giảm xuống mức thấp kỷ lục mọi thời đại so với đồng đô la Mỹ. Cổ phiếu tập đoàn khí đốt Nga Gazprom, nhà cung cấp khí đốt cho châu Âu qua đường ống xuyên Ukraine, giảm tới hơn 13%. Ngân hàng trung ương Nga đã buộc phải thông báo tăng “tạm thời” 1,5 điểm% lãi suất cho vay, lên 7,0%.


Giới quan sát và phân tích quốc tế nhìn nhận: Những quyết định mạnh mẽ, dứt khoát của Nga sau Olympic Sochi đã phát huy hiệu quả. Mỹ và phương Tây đã nhận được thông điệp rõ ràng của Điện Kremlin: Moskva sẽ không ngồi yên và hoàn toàn có đủ “lực” để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong vấn đề Ukraine. Chính phủ lâm thời Kiev cũng đã nhận ra một điều: Họ hoàn toàn có thể phải đối mặt với “kịch bản Gruzia” năm 2008, khi Nga can dự quân sự vào Nam Ossetia mà Mỹ và phương Tây chỉ ngồi nhìn “bất động” dù chính quyền Mikheil Saakashvili được xem là đồng minh thân cận nhất của Mỹ - phương Tây trong không gian hậu Xô viết.


Dù chỉ trích Nga, nhưng tuyên bố của G - 7 cũng kêu gọi Moskva xử lý các vấn đề nhân đạo và an ninh với Ukraine thông qua đối thoại trực tiếp, qua giám sát hoặc trung gian quốc tế dưới vai trò của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE). Người phát ngôn Chính phủ Đức Georg Streiter cho biết Tổng thống Nga đã chấp nhận đề xuất của Thủ tướng Merkel về việc thành lập một “phái đoàn điều tra sự thật” đặt dưới sự điều phối của OSCE nhằm khởi động đối thoại chính trị. Phía Nga hiện chưa xác nhận thông tin này, nhưng câu trả lời có thể sẽ có trong vài ngày tới.


Hoài Thanh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN