Hiệu quả từ chính sách tín dụng ưu đãi - Thoát nghèo nhờ vốn vay ưu đãi

Ông Lê Hùng Lam, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Quảng Nam cho biết, những năm qua Quảng Nam là một trong những tỉnh thực hiện tốt chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhờ vậy, cùng với các chương trình kinh tế khác, chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 2,5 - 3%, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh đề ra.

 

Đến nay, toàn tỉnh có dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo là 1.128 tỷ đồng với 75.996 hộ vay; chương trình hộ cận nghèo đã giải ngân 187 tỷ đồng cho 8.090 hộ vay vốn để làm kinh tế gia đình. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả nên công tác thu hồi nợ được thực hiện khá tốt, tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình cho vay của hộ nghèo chỉ chiếm 0,25% trên tổng dư nợ, vốn thu hồi bình quân hàng năm đạt từ 22 - 25% trên tổng dư nợ dùng để cho vay quay vòng, hiệu suất tín dụng vốn khá cao. Hàng năm, ngoài nguồn vốn của trung ương, UBND tỉnh Quảng Nam và các huyện, thành phố trong tỉnh còn tiết kiệm từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách để bổ sung nguồn vốn cho chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo từ 10 - 12 tỷ đồng/năm.

 

Việc giao dịch tại xã giúp người dân tiết kiệm nhiều chi phí khi vay vốn ưu đãi. Ảnh: Ngọc Tú


Đạt được kết quả trên, theo ông Lê Hùng Lam có sự “cộng hưởng” từ nhiều yếu tố. Trước hết, chương trình có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp đồng bộ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là của các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác. Thông qua các tổ chức này, đã có trên 4.167 tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai thực hiện ở khắp các thôn, bản, khối phố, nhờ vậy 2 chương trình tín dụng trên được triển khai đồng bộ hiệu quả.


Nguyên nhân nữa là nhờ mạng lưới hoạt động của chi nhánh Ngân hàng CSXH rộng khắp từ tỉnh đến thôn, bản đã góp phần không nhỏ trong việc triển khai thực hiện tốt chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh.


Hiện toàn tỉnh có 244 điểm giao dịch tại 100% số xã, phường với 4.167 tổ tiết kiệm và vay vốn. Mỗi thôn, khối phố có từ 2 đến 3 tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó các tổ đã nắm bắt kịp thời, chính xác đối tượng vay vốn, nhu cầu vay của từng hộ.


Hệ thống Ngân hàng CSXH từ tỉnh đến huyện cũng đã phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư... giúp người dân sử dụng vốn vay hiệu quả. Điển hình như các dự án vay trồng cao su tiểu điền tại huyện Hiệp Đức, trồng cây keo tại Tiên Phước, Bắc Trà My, Quế Sơn, chăn nuôi tại huyện Duy Xuyên, Điện Bàn.

 

Bên cạnh đó, các phòng giao dịch Ngân hàng CSXH thường xuyên phát động các đợt thi đua khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân làm tốt công tác xử lý nợ đến hạn, quá hạn. Lý do đặc biệt quan trọng nữa là những hộ nghèo, hộ cận nghèo mặc dù trong điều kiện sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, rủi ro thường xuyên xảy ra nhưng vẫn luôn giữ chữ tín với ngân hàng, điều đó thể hiện qua các con số rất ấn tượng như tỷ lệ thu lãi hàng năm đạt gần 100%, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,25%, gần như không có trường hợp chây ỳ, chiếm dụng vốn của nhà nước, ông Lam nhấn mạnh.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam sau khi đi khảo sát tình hình tại các huyện Hiệp Đức, Thăng Bình, Núi Thành và làm việc với chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đã đánh giá, chương trình tín dụng ưu đãi cho người nghèo qua Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam mang lại hiệu quả thiết thực. Việc được sử dụng nguồn vốn vay từ chương trình cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo đã xóa bỏ được tâm lý ỷ lại, trông chờ của người nghèo. Theo đó, hàng nghìn hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi đã biết tổ chức sản xuất và sản xuất kinh doanh có hiệu quả, góp phần thoát nghèo một cách bền vững.


Mặc dù có những thành quả trên, chương trình vẫn còn một số tồn tại như việc xác nhận đối tượng được vay vốn chưa tốt, mức cho vay còn chia đều, bình quân mức dư nợ hiện nay 14 triệu đồng/hộ là còn thấp so với nhu cầu. Chương trình tín dụng chưa được triển khai một cách đồng bộ với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn sản xuất... nhất là ở các huyện miền núi nên hiệu quả sử dụng vốn chưa thật sự cao.


Theo ông Lê Hùng Lam, để thực hiện chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong thời gian tới, cần tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo sâu sát, kịp thời các hoạt động tín dụng trên địa bàn. Đối với các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn, khi triển khai cho vay phải giám sát quản lý vốn vay đúng mục đích, đúng đối tượng; gắn chương trình tín dụng với các chương trình phát triển kinh tế để hộ vay sử dụng vốn hiệu quả.


Về phía Ngân hàng CSXH, cần tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, thực hiện tốt điểm giao dịch lưu động tại xã, kiểm soát và quản lý tốt nợ đến hạn, nợ quá hạn, thông báo kịp thời cho các hội, tổ để phối hợp xử lý, đồng thời làm tốt công tác đào tạo tập huấn nghiệp vụ cho các hội đoàn thể, tổ tiết kiệm và vay vốn để nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Bên cạnh đó, Ngân hàng cần phối hợp với các ngành, hội đoàn thể làm tốt công tác hướng dẫn sản xuất, nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, đồng thời nâng dần mức cho vay bình quân đạt từ 30 đến 35 triệu đồng/hộ nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ vốn, đủ kiến thức để vay vốn và sử dụng vốn hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo một cách bền vững.


Đoàn Hữu Trung

Ngân hàng Chính sách xã hội huy động 950 tỷ đồng trái phiếu chính phủ

Ngày 28/3, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ bảo lãnh do Ngân hàng Chính sách xã hội phát hành. Phiên đấu thầu có tổng khối lượng gọi thầu 1.000 tỷ đồng, gồm 2 loại kỳ hạn: 3 năm (500 tỷ đồng) và 5 năm (500 tỷ đồng).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN