Chị Ther, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Glar cho biết: Glar là một xã vùng sâu vùng xa, phần lớn là đồng bào Banar sinh sống. Với phong tục tập quán từ xa xưa để lại, chị em trong làng đều làm nông nghiệp, trồng cà phê hay lúa nước. Tuy nhiên, nông nghiệp cũng chỉ có mùa vụ, còn lại là thời gian rảnh rỗi, nên Hội Phụ nữ đã quyết định thành lập lớp dạy nghề cho chị em lúc nông nhàn.
Nghề dệt thổ cẩm tăng thu nhập cho chị em lúc nông nhàn. |
Hội Phụ nữ xã Glar đã tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cũng như Hội Phụ nữ huyện Đắk Đoa, cho phép mở lớp dạy nghề cho chị em tại xã. Chỉ một năm sau, lớp học nghề đầu tiên đã được mở với 30 học viên, dạy các nghề như dệt thổ cẩm, cắt may, chăn nuôi lợn hay chăm sóc cây cà phê… Từ đó đến nay, mỗi năm Hội Phụ nữ xã đều tổ chức 1 đến 2 lớp học, thu hút hàng chục chị em tham gia.
Chị Hngai, thôn Dôr 2, xã Glar, đã tốt nghiệp lớp dạy nghề dệt thổ cẩm từ năm 2010. Thoăn thoắt bên khung dệt để cho ra những sản phẩm đậm bản sắc văn hóa dân tộc Banar, chia sẻ: Sau khi học xong lớp dạy nghề của Hội Phụ nữ xã, tay nghề của chị đã tốt hơn rất nhiều. Hiện nay, chị đã có thể tự tay dệt ra những tấm thổ cẩm theo đúng ý muốn của mình. Dù chỉ là tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi, nhưng thu nhập bình quân mỗi tháng từ công việc này cũng từ 2-3 triệu đồng, giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của gia đình.
Mô hình lớp dạy nghề của Hội Phụ nữ xã là một hướng đi đúng đắn, giúp cho đời sống kinh tế của bà con dần đi lên và cũng là một trong những điều kiện quan trọng để xã Glar hoàn thành mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong năm 2016.