Học chữ để tránh xa ma túy

Đã ngoài 30 tuổi, anh Vũ Văn Huy mới được cầm đến quyển sách tiếng Việt, bắt đầu học đọc, học viết. Cơ hội học chữ chỉ đến khi anh tham gia cai nghiện ma túy tại Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ninh (xã Vũ Oai, huyện Hoành Bồ).


Lớp học đặc biệt


Anh Huy tâm sự: Hồi nhỏ, anh theo gia đình đi biển, lênh đênh trên sông nước suốt, nên không được đi học, thiếu hiểu biết kiến thức tự phòng tránh các tệ nạn xã hội. Lớn lên, anh bị bạn bè rủ rê, mắc nghiện ma túy. "Giờ tôi mới có cơ hội để học chữ. Tôi sẽ cố gắng học để đọc thông, viết thạo, có thể đọc sách, báo, tài liệu liên quan đến những tác hại ma túy đối với sức khỏe, với cộng đồng, sau này biết cách tự phòng tránh ma túy", anh Huy chia sẻ.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh thăm lớp học.

Vũ Văn Huy là một trong số những học viên lớp "xóa mù" của Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ninh. Giám đốc Trung tâm, ông Lê Minh Sơn, cho biết: Thấy một số học viên không biết chữ, không biết ký tên mình khi làm thủ tục vào cai nghiện, từ năm 2011, trung tâm đã có sáng kiến tổ chức lớp dạy xóa mù chữ cho học viên. Việc làm này vừa nhằm khuyến khích, động viên người nghiện sớm từ bỏ ma túy, vừa giúp họ biết đọc sách báo, tiếp nhận thông tin phòng tránh việc tái nghiện khi trở về cộng đồng.


Hiện Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ninh có hơn 800 người nghiện ma túy đang học tập, lao động và cai nghiện. "Năm học" 2013 này, lớp học xóa mù chữ có 17 học viên, người ít tuổi nhất 20 tuổi, người nhiều nhất gần 40 tuổi. Chương trình lớp chủ yếu dạy hai môn tiếng Việt và Toán. Ngày học 1 buổi, tuần học 6 buổi, từ thứ hai đến thứ bảy.


Hướng đi hiệu quả


Những người bị nghiện ma túy ở trung tâm có hoàn cảnh rất khác nhau: Người thủa nhỏ không được đi học, người thì lao động trên sông nước, người thì nhà khó khăn không được đến trường… Nhiều người trong số họ đã có con học lớp 3, lớp 4, nhưng họ vẫn mù chữ, ở nhà không biết đọc, biết viết, đôi khi muốn xem báo cũng phải nhờ con đọc hộ. Thất học, thiếu hiểu biết cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người bị lầm lỡ sa chân vào con đường nghiện ma túy. Vì vậy, dạy chữ, cho người nghiện ma túy là một công việc hữu ích để rèn luyện, giáo dục và hướng dẫn họ cai nghiện thành công và bền vững.


Anh Lê Mạnh Cường, 28 tuổi, học viên Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ninh, cho biết, trước đây anh cũng đã học đến lớp 2, song thời gian bỏ học đã quá lâu nên anh quên hết. Cường tâm sự: "Việc cai nghiện ma túy, kết hợp với học chữ làm tôi thấy tâm trạng thoải mái, tốt cho sức khỏe, tinh thần. Học chữ là học cách tránh từ bỏ ma túy". Sau 3 tháng học chữ, Cường đã đọc thông thạo, giờ đây anh tự tin, không còn cảm thấy xấu hổ với con cái mỗi khi con đòi bố đọc chuyện cho nghe.


Cô giáo Nguyễn Thị Tâm, cán bộ Trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ninh cũng cho hay, mới đầu dạy chữ cho các học viên rất khó khăn do họ đã nhiều tuổi, trong mình ít nhiều còn ham muốn chất gây nghiện ma túy. Tuy nhiên, sau 3 tháng học tập, với quyết tâm học chữ là học cách từ bỏ ma túy nên các học viên trong lớp đều rất chăm chỉ, chịu khó học tập. Nhiều học viên đã đọc rành mạch, trôi chảy.


Ngoài giờ học, các học viên còn tham gia học các nghề như trồng trọt, chăn nuôi, đan lưới…; tham gia các hoạt động lao động trị liệu để vừa rèn luyện sức khỏe, vừa rèn luyện kỹ năng nghề, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày, vừa có thu nhập tăng thêm khoảng 300.000 đồng/người/tháng.


Với phương châm xây dựng Trung tâm theo mô hình bệnh viện – trường học - doanh nghiệp, trung tâm giáo dục lao động xã hội Quảng Ninh đang từng bước xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn giúp người bị nghiện ma túy sớm trở về với cuộc sống đời thường, hòa nhập với cộng động, để sống có ích cho gia đình và cho xã hội.


Bài và ảnh: Văn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN