Nếu ở mầm non, trẻ biết tự phục vụ bản thân thì lên các bậc học cao hơn, học trò bán trú được nhà trường phục vụ… tận răng từ chuyện ăn đến việc ngủ. Có người e ngại mô hình bán trú hiện nay đang biến học trò thành “gà công nghiệp”.
Phục vụ tận răng
Sắp hết giờ học của buổi sáng tại một trường tiểu học ở TPHCM, khi học sinh (HS) vẫn đang ở trong lớp thì ở bên ngoài đội ngũ bảo mẫu, cấp dưỡng đã bày biện xong bữa ăn cho các em tại khu vực ăn uống ở nhà ăn, khu vực hàng lang. Riêng với khối học trò lớp 1, do phòng ăn thiếu chỗ, các em được bố trí ăn ngay trong lớp. Hết giờ học, các em được hướng dẫn ra khu vực vệ sinh rửa tay, một số bảo mẫu xếp từng phần cơm lên bàn cho mỗi HS.
Tất cả được dọn sẵn. Rửa tay xong, học trò chỉ có mỗi nhiệm vụ ngồi vào và… ăn. Ăn xong, em nào em nấy bỏ nguyên hiện trường, đứng dậy tìm chỗ vui chơi cho mình. Thu dọn mọi thứ xong, bảo mẫu lại nhắc các em đi ngủ, thậm chí một số lớp gối chăn của học trò cũng được các cô lấy ra sẵn. Khi các em dậy theo tiếng đánh thức, đội ngũ nhân viên lại thu dọn chăn gối để trả lại hiện trường cho lớp học. Sau đó không lâu, các em lại tiếp tục được phục vụ tận nơi bữa ăn xế.
Phần ăn được bảo mẫu phục vụ sẵn tận chỗ ngồi, học trò tiểu học chỉ việc ngồi ăn.
Việc bảo mẫu, cấp dưỡng phụ vụ học trò bán trú tận… răng với hình thức trên là điều dễ thấy tại các trường phổ thông tổ chức bán trú. Không chỉ ở bậc tiểu học mà ở các bậc cao hơn, học tròcũng được “chăm bón” theo công thức nuôi… gà công nghiệp như vậy.
Nhìn vào hình ảnhcủa HS bán trú, ông Lê Ngọc Điệp - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT TPHCM thốt lên: “Có lẽ không nơi nào trên thế giới học trò sướng như ở Việt Nam. Ăn ngủ không phải động tay vào bất cứ việc gì”. Ông lo ngại, sự phục vụ tận nơi này sẽ ảnh hưởng đến tính tự lập của học trò, các em càng thêm ỷ lại, thụ động trong cuộc sống.
Bà Trương Thị Việt Liên - Phó trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM bày tỏ lo lắng trước mô hình bán trú phục vụ hiện tại ở các trường phổ thông đang làm “hỏng” đi quá trình rèn luyện tính tự lập của các em ở bậc mầm non.
“Ở mầm non các em tự phục vụ, đến bữa được chọn và lấy đồ ăn theo sở thích, nhu cầu nên có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, không để đồ ăn dư. Ăn xong các em tự dọn chén bán nhưng lên tiểu học lại chuyển sang hình thức được phục vụ. Đồ ăn đóng sẵn trong khay, đưa đến tận nơi, các em không được lựa chọn đồ ăn cũng như chẳng phải làm gì hết”, bà Liên nói.
Lực bất tòng tâm?
Hiện nay, toàn TPHCM có 604 trường Tiểu học, THCS, THPT tổ chức bán trú. Trong đó, 2 trường đặt suất ăn sẵn công nghiệp, 399 trường có bếp ăn.
Các trường phổ thông cho rằng, học trò bán trú được chăm như “gà công nghiệp” xuất phát từ thực tế bán trú là nhu cầu của phụ huynh, các trường không có cơ sở bán trú mà phải tận dụng cơ sở sẵn có để “mở rộng” bán trú. Bữa ăn ở trường đặt suất cơm công nghiệp bên ngoài mang vào hoặc tự nấu trong trường không có điều kiện để chế biến nhiều món. Ngoài ra cũng không thể tổ chức cho các em tự phục vụ vì thiếu không gian, chỗ ăn chỗ ngủ đều do trường “cơi nới” trong phòng học, ở hành lang, nhà xe…
Ở bậc mầm non, trẻ được tự phục vụ bữa ăn.
Nhiều trường cũng biết rằng như thế đang làm “hư” HS nhưng lực bất tòng tâm vì thiếu cơ sở cũng như thiếu cả kinh nghiệm tổ chức các hoạt động tự phục vụ cho các em. Một số trường đành trao đổi, nhắc nhở phụ huynh ở nhà nên giáo dục các em cách tự chăm sóc bản thân.
Bà Phan Thúy Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng (Gò Vấp, TPHCM) cho hay, số lượng học sinh bán trú ở trường rất đông, khi trường không có sơ sở bán trú nên không thể thực hiện được hoạt động tự phục vụ cho học trò. Mới đây, trường đã phải cắt giảm sân chơi vốn rất hạn hẹp của HS để mở nhà ăn vì lâu nay các em phải ăn ở hành lang, sân trường.
Tuy nhiên, bà Trang nhắc nhớ các côbảo mẫu, điều dưỡng là những việc các em có thể làm thì không được làm thay. Như việc dọn bàn dọn bàn ghế, ăn xong dọn khay để vào đúng chỗ, biết phân loại đồ ăn thừa… để các em tự làm. “Trong hè, số lượng HS bán trú ít, chúng tôi tổ chức được bữa ăn buffet để các em tự phục vụ, nhưng khi số lượng đông quá thì không thể”.
ThS, BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai - Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TPHCM cho rằng chỉ nên mở bán trú ở bậc mầm non, tiểu học và cần giảm dần ở THCS và không nên tổ chức ở bậc THPT. Điều này không chỉ giảm nỗi lo ăn uống về phía nhà trường để tập trung cho công tác chính là giảng dạy, phòng tránh ngộ độc tập thể mà còn nhằm tạo thói quen cho trẻ tự lập, biết chăm sóc bản thân.
Theo ông Lê Ngọc Điệp, các trường cần tạo mọi cơ hội cho các em tự phục vụ việc ăn uống của mình, việc gì học trò có thể làm thì tuyệt đối không nên làm thay. Nếu không thể tổ chức bữa ăn tự phục vụ thường xuyên thì có thể thu xếp mỗi tuần một lần tùy theo khả năng, điều kiện của trường.
TTXVN/Tin tức