Ngày 15/6, Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang (SCAF) cầm quyền tại Ai Cập đã ra lệnh giải tán quốc hội theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Tối cao về việc cơ quan lập pháp này được bầu một cách vi hiến.
Các nhân viên an ninh canh giữ phía trước trụ sở Quốc hội Ai Cập. Nguồn: Internet |
Trước đó cùng ngày, Ban Thư ký Quốc hội Ai Cập đã nhận được thông báo chính thức từ SCAF về việc giải tán ngay lập tức cơ quan này theo phán quyết của tòa án. Báo "al-Ahram" dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Tổng Thư ký Quốc hội Sami Mahran đã nhận được thông báo của quân đội về việc cấm bất kỳ ai, trừ nhân viên và phóng viên quốc hội, được phép vào tòa nhà này. Các lực lượng an ninh đã được bố trí xung quanh tòa nhà quốc hội để ngăn mọi người, bao gồm các nghị sĩ, vào tòa nhà mà không có thông báo chính thức.
Một nguồn tin quân đội Ai Cập còn xác nhận SCAF sẽ ra Tuyên bố hiến pháp để quyết định việc thành lập Hội đồng lập hiến. Hội đồng quân sự sẽ nắm quyền lập pháp và kiểm soát ngân sách nhà nước cho tới khi quốc hội mới được bầu. Nguồn tin tư pháp Ai Cập dẫn Điều 56 trong Tuyên bố Hiến pháp được SCAF ban hành tháng 3/2011 khẳng định các lực lượng vũ trang có quyền lực rộng rãi để điều hành các vấn đề của đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp, sau sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Hosni Mubarak. Điều khoản này liệt kê 10 quyền mà SCAF được nắm giữ trong giai đoạn chuyển tiếp, trong đó có quyền bổ nhiệm thủ tướng và các bộ trưởng nội các, quyền bổ nhiệm các quan chức dân sự và quân đội, quyền lập pháp cũng như quyết định các vấn đề ngân sách quốc gia.
Trước đó, bất chấp phán quyết của tòa, Ban Thư ký Quốc hội vẫn công bố chương trình làm việc tuần tới cho các nghị sĩ, trong đó có việc thảo luận quyết định của tòa án hiến pháp. Chủ tịch Quốc hội Ai Cập thuộc Đảng Tự do và Công lý (FJP) Saad El-Katatny cho rằng phán quyết của tòa án mang động cơ chính trị. Trong tuyên bố đăng trên trang web chính thức của FJP, ông Katatny cáo buộc báo chí đã mở cuộc chiến chống lại quốc hội trong vài tháng qua. Ông cho biết tổ chức Anh em Hồi giáo đã thảo luận những bước đi tiếp theo, trong đó có việc ứng cử viên của tổ chức này là Mohamed Morsy sẽ tiếp tục tranh cử vòng hai cuộc bầu cử tổng thống ngày 16 -17/6.
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon đã kêu gọi Ai Cập tổ chức bầu cử tổng thống trong hòa bình. Ông nhấn mạnh cuộc bầu cử này là một phần rất quan trọng trong tiến trình tiến đến nền dân chủ của Ai Cập.
Bình luận về phán quyết của tòa hiến pháp Ai Cập, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho biết, Washington (Oasinhtơn) tôn trọng sự độc lập của hệ thống tư pháp, song chưa hiểu rõ phán quyết trên. Bà đồng thời kêu gọi SCAF chuyển giao quyền lực cho nhà lãnh đạo thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Căng thẳng chính trị leo thang tại Ai Cập tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động kinh tế của nước này. Kinh tế Ai Cập không hề tăng trưởng kể từ khi chính quyền của ông Mubarak bị lật đổ, dự trữ ngoại tệ giảm một nửa khiến cho đồng tiền Ai Cập mất giá nghiêm trọng. Tình trạng bế tắc khiến các nguồn viện trợ tiếp tục bị đóng băng và các nhà đầu tư không dám tiếp cận nền kinh tế này.
TTXVN/Tin tức