Với chủ đề "Các tiêu chuẩn chung cho một thực tế mới", hơn 2.500 đại biểu từ hơn 100 quốc gia tham gia Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) lần thứ 41 diễn ra tại Davos (Thụy Sỹ) từ 26-30/1 sẽ xem xét một cách toàn diện mọi thách thức mà toàn cầu phải đối phó, đồng thời đề xuất các ý tưởng, giải pháp cho chương trình hành động của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20). Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu tham dự diễn đàn quan trọng này.
Thế giới vẫn đối mặt với nhiều thách thức
Nhận định năm 2010 là một năm "khởi sắc" đối với nền kinh tế thế giới không hẳn sai, song nếu đánh giá đây là một năm "chật vật" đối với nhân loại thì cũng đúng. Xét trên phương diện vĩ mô, 2010 là năm thành công ngoài mong đợi của con thuyền kinh tế thế giới. Sau 12 tháng vượt sóng gió, con thuyền đã về đích với mức tăng trưởng dự đoán đạt 3,2-3,4%. Tuy được xem là khá khiêm tốn, song thành tích này cũng phần nào bù đắp những mất mát của thế giới sau hai năm trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Chủ tịch WEF Klaus Schwab trao đổi với báo giới trước thềm hội nghị. |
Những gì người ta lo sợ nhất cuối cùng đã không hoặc chưa xảy ra. Cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu tạm thời được khống chế. Mặc dù kinh tế các nước khu vực đồng euro (eurozone) vẫn được coi là trong vòng "nguy hiểm", song về tổng thể, khu vực này vẫn đạt mức tăng trưởng 1,7% (cao hơn dự đoán), nhờ sự vượt trội của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu có mức tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2010;"quả bom" chiến tranh tiền tệ đã được tháo ngòi nổ kịp thời; kinh tế Trung Quốc không nổ tung vì bong bóng lạm phát; Mỹ không bị đẩy ngược trở lại suy thoái…
Tuy nhiên, thế giới “tiễn Hổ, đón Mèo” trong bầu không khí vẫn chẳng mấy lạc quan khi mà những khó khăn vẫn chồng chất, di sản nặng nề của khủng hoảng vẫn là nỗi ám ảnh của mỗi quốc gia trong những ngày này.
Năm 2011 mới bắt đầu, song thế giới đã phải chứng kiến những cơn sốc giá cả và tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng ở nhiều nơi trên toàn cầu. Các vụ bạo động kinh tế đã và đang diễn ra ở nhiều nước như Tuynidi, Angiêri, Môdămbích…
Tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng vọt còn gây bất ổn chính trị ở nhiều nước khác như Ấn Độ, Bănglađét hay Inđônêxia. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng nếu các nước sản xuất lương thực chủ yếu trên thế giới không gặt hái được một vụ thu hoạch cao hơn trong năm 2011. Tình trạng thiếu lương thực toàn cầu không chỉ làm trầm trọng thêm khủng hoảng kinh tế mà còn có nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng xã hội.
Châu Á, khu vực được coi là năng động nhất, động lực kéo kinh tế thế giới thoát khỏi cuộc khủng hoảng lớn nhất trong vòng 80 năm qua, có tốc độ tăng trưởng cũng được dự báo là sẽ chậm lại trong năm 2011 và 2012 do phải đối mặt với nhiều nguy cơ nghiêm trọng như triển vọng tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu chính yếu đi, lạm phát tăng cao và những hậu quả của việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu lục này, cũng bắt đầu có những dấu hiệu phát triển quá nóng sau 2 năm tiến hành kích thích kinh tế qui mô lớn, với lạm phát tăng chóng mặt, giá lương thực, nhà đất leo thang, tạo ra lo lắng rằng nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang trong tình trạng “bong bóng” và đầy bất ổn. Lạm phát tiêu dùng trong tháng 11/2010 đã tăng lên 5,1%, mức cao kỷ lục trong 28 tháng.
Quốc gia này vừa ghi nhận một dấu ấn lớn lao sau khi vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, lạm phát cao đang làm giảm hiệu quả của tăng trưởng GDP.
Trong khi đó, các thị trường tài chính thế giới vẫn chưa thoát khỏi tình trạng hỗn loạn do các quốc gia không phối hợp tốt chính sách tiền tệ sau khủng hoảng. “Cuộc chiến tiền tệ” vẫn hiện hữu do các nước đua nhau hạ thấp tỷ giá của đồng nội tệ so với ngoại tệ mạnh để tạo thế cạnh tranh xuất khẩu và thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
Cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu mà đỉnh điểm là sự sụp đổ của hai nền kinh tế thuộc eurozone là Hy Lạp và Ailen có thể chưa phải là điểm dừng cuối. Những cái tên giờ đây đang được không ít chuyên gia nhắc tới gồm Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, thậm chí cả Italia, Bỉ. Các nhà phân tích đặt câu hỏi rằng liệu Quĩ cứu trợ khủng hoảng chung 750 tỷ euro (1.000 tỷ USD) của EU và IMF có thể chia được cho bao nhiêu nước gặp khó khăn nếu khủng hoảng tiếp tục lan rộng.
Giá vàng, một trong những hàng hóa bị gây lũng đoạn trên thị trường thế giới, được dự báo sẽ phá kỷ lục vừa lập hồi tháng 11/2010 (hơn 1.400 USD/ounce) và tiếp tục tác động đến nền kinh tế thế giới. Theo các nhà phân tích, giá vàng quá cao sẽ làm giảm phần nào nhu cầu dự trữ và sử dụng vàng, tỷ giá trên thị trường tiền tệ thế giới biến động mạnh theo giá vàng, chính sách lãi suất của các quốc gia cũng từ đó phải liên tục điều chỉnh cho phù hợp.
Quá trình phục hồi kinh tế thế giới bị chững lại cũng một phần do giá vàng tăng cao, tác động đến giá cả các loại hàng hóa khác, gây ra những biến động thất thường. Như một phản ứng dây chuyền, khi kinh tế thiếu tăng trưởng, thị trường chứng khoán, vốn được xem là thước đo sức khỏe của nền kinh tế, cũng sẽ khó có sự tăng trưởng bền vững.
WEF tìm giải pháp ứng phó
Chủ tịch WEF Klauss Schawab cho biết sự dịch chuyển quyền lực chính trị và kinh tế từ Đông sang Tây, từ Bắc tới Nam, cũng như tốc độ đổi mới công nghệ như vũ bão đã tạo ra một thực thể thế giới hoàn toàn mới.
Các hệ thống và mô hình đưa ra các quyết sách quốc tế đã không còn phù hợp với những diễn biến nhanh chóng và phức tạp của những biến đổi trên. Vì vậy, diễn đàn WEF năm nay sẽ tập trung xem xét các tác động của cuộc khủng hoảng vừa qua cũng như những khó khăn và thách thức trước mắt, cùng nhau phân tích thực tế mới và thảo luận các tiêu chuẩn chung cho một sự hợp tác toàn cầu trong kỷ nguyên mới này.
Trong báo cáo rủi ro toàn cầu 2011, WEF cảnh báo thế giới đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là lương thực, nguồn nước và năng lượng. WEF đánh giá nguy cơ khủng hoảng nợ công cũng là một trong những rủi ro lớn nhất của thế giới trong năm 2011.
Trong khi các gói kích thích kinh tế lớn giúp các nước chặn được đà suy thoái thì cũng kèm theo đó là thâm hụt ngân sách cùng các khoản nợ lớn cho các nước, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi.
Để giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, WEF dự đoán qui mô tín dụng toàn cầu sẽ phải tăng gấp đôi trong 10 năm tới, tương ứng tăng thêm 103.000 tỷ USD. Cụ thể, nhu cầu tín dụng ở châu Á có thể lên tới 40.000 tỷ USD, tại châu Âu là 13.000 tỷ USD. WEF cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục vay nợ nhiều hơn nhằm đáp ứng nhu cầu có thể lên tới 3.800 tỷ USD vào năm 2020.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn đem theo hy vọng đến WEF 2011, đó là tìm ra giải pháp thích nghi với những thực tế mới, nhằm giảm thiểu những nguy cơ mang tính hệ thống đe dọa nhấn chìm nền kinh tế thế giới.
Các nhà phân tích cho rằng không quốc gia nào có thể tự làm được điều này. Thế giới cũng sẽ không thể giải quyết được vấn đề nếu mỗi nước không sẵn sàng hy sinh một số lợi ích riêng ngắn hạn vì lợi ích chung của kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới sẽ càng bị đẩy vào suy thoái tồi tệ hơn, mất nhiều thời gian và công sức hơn cho việc phục hồi nếu các quốc gia cứ khăng khăng duy trì chính sách bảo hộ tiền tệ hay thương mại riêng của mình.
Phương Hoa