Không biết bao nhiêu mồ hôi của một gia đình người Việt đã đổ xuống, phủ xanh một góc sa mạc lớn nhất thế giới đầy nắng và cát tưởng như không có sự sống. Sau nhiều năm kiên trì bám trụ, một khu trang trại liên hoàn rộng hàng trăm ha đã thành hình và bắt đầu cho những quả ngọt đầu tiên.
Ốc đảo xanh giữa lòng sa mạc
Trang trại của gia đình chị Hoàng Thị Bích Liên, người gốc ngoại thành Hà Nội và anh Hany Fahim nằm tút ngút giữa những đụn cát thuộc khu vực sa mạc rộng lớn ở miền tây Ai Cập, cách thủ đô Cairo khoảng 150 km. Đây là một trong những vùng đất khô cằn thuộc loại bậc nhất tại quốc gia Bắc Phi này, với lượng mưa trung bình hàng năm chỉ vẻn vẹn 2 milimét. Và để tới được địa điểm này cũng không hề dễ dàng chút nào.
Ngược tuyến đường cao tốc chạy thẳng tít tắp nối Cairo với thành phố cảng Alexandria nằm bên bờ Địa Trung Hải, đoàn chúng tôi kết thúc chặng đầu tiên một cách đầy háo hức trong căn hộ của gia đình chị Liên tại thành phố Sadat City thuộc tỉnh Menoufia. Rời thành phố để tiến sâu vào sa mạc lúc mặt trời đã leo lên đến gần đỉnh đầu, đoàn chúng tôi bắt đầu cảm thấy như bị "nướng chín" dưới cái nóng như thiêu như đốt, dù điều hòa trên xe đã được để ở mức tối đa. Nhiệt kế chỉ đúng 46oC, trước khi tắt ngấm hoàn toàn lúc xe bắt đầu bò vào các đoạn cua trên tuyến đường gập ghềnh men theo các đụn cát. Nhiều đoạn, mọi người còn phải xông ra khỏi xe hè nhau khênh đẩy, lót đá chống lầy.
Sau khoảng một giờ bám đuổi, đoàn cũng đến được nơi đặt đại bản doanh của ông bà chủ trang trại mến khách. Đập vào mắt là cả một ốc đảo xanh mướt, trĩu quả trải dài miên man giữa mênh mông sa mạc. Trên tổng diện tích khoảng 120 ha là các vùng chuyên canh nho, cam quýt, chanh, ớt ngọt, khu chăn nuôi gia cầm và đầm cá. Vườn nho xanh rộng 50 ha với những chùm quả căng tròn chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch kéo dài từ tháng 6 tới tận tháng 8 hàng năm.
Nằm bên cạnh là hàng chục ha trồng các giống cam quýt đặc sản chi chít quả xanh hứa hẹn một vụ mùa bội thu vào cuối năm. Tiếp đó là các khu nhà phủ bạt trồng ớt cay và ớt ngọt rộng hàng chục nghìn mét vuông vừa kết thúc 7 tháng thu hoạch và đang chuẩn bị xuống giống cho vụ mùa mới. Trong khi đó, vườn chanh cao sản giống Italy với tổng diện tích lên tới 20 ha tiếp tục đâm chồi, nảy lộc, đơm hoa, kết trái và cho quả quanh năm.
Nằm lẫn giữa các khu chuyên canh cây ăn quả là xưởng đóng gói, các dãy nhà ở khép kín dành cho công nhân. Theo chị Liên, lúc cao điểm, trang trại phải nhờ tới các chủ đầu mối chuyên cung cấp lao động và sử dụng tới 150 công nhân mỗi ngày cho việc thu hái, đóng gói sản phẩm.
"Trái tim" của cả trang trại rộng 120 ha này là trạm khai thác nước ngầm hoạt động suốt ngày đêm với hệ thống ống cắm sâu 200 m trong lòng sa mạc và chạy dài nhiều km. Đi kèm với đó là hàng trăm km dây nhỏ cung cấp nước tưới cũng như dưỡng chất tới từng gốc cây. Do khu vực này vẫn chưa có điện lưới, hoạt động của trang trại cũng phụ thuộc vào chiếc máy phát điện chạy dầu to phịch phả khói mù mịt đặt ở tầng một của khu nhà điều hành cao hai tầng chứa đầy máy nông cụ.
Hành trình "đội đá, vá trời"
Quê gốc ở xã Quang Tiến (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chị Liên rời gia đình theo bạn bè sang buôn bán tại Hungari vào năm 1997. Vẻ đẹp đằm thắm, phúc hậu Á Đông của chị đã khiến chàng thanh niên trẻ Fahim hiền lành, ít nói và ít hơn tận 5 tuổi từ xứ sở các Kim tự tháp cảm mến rồi mê đắm lúc nào không hay.
Năm 1998, anh chị tổ chức một lễ cưới giản dị trong một thánh đường Hồi giáo ở Hungari. Sau 6 năm bươn chải ở xứ người, năm 2003, anh chị quyết định khăn gói cùng đứa con gái nhỏ về định cư tại ngôi làng nghèo của chồng tại tỉnh Kafr el-Sheikh, cách Cairo khoảng 130 km về phía bắc. Để chị đỡ buồn và lạc lõng nơi đất khách quê người, anh bàn bạc và về đón đứa con trai riêng của chị lúc đó mới 7 tuổi từ Việt Nam sang sống chung với gia đình.
Ban đầu, anh chị dùng số tiền nhỏ tích cóp được để thu mua nông sản cung cấp cho các mối hàng tại Hungari rồi vay mượn để mua 20 ha đất sa mạc tại tỉnh Menoufia. Không còn tiền để đầu tư, đôi vợ chồng trẻ phải tự tay lao động, khai hoang, cải tạo đất để trồng cam và các loại rau quả ngắn ngày. Do thiếu phương tiện đi lại và cũng như để tiện trông nom trang trại, cả gia đình phải trú ngụ luôn trong ngôi nhà nhỏ chật chội đầy máy móc và dầu mỡ nằm lọt thỏm giữa vùng sa mạc lúc đó còn rất thưa người. Khó khăn chồng chất tưởng như không thể vượt qua nổi khi 6 đứa con lần lượt chào đời.
Nhờ cần cù và chịu khó, anh chị dần dành đủ tiền trả hết nợ và tiếp tục vay mượn để mua thêm đất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngoài việc quản lý trang trại, anh chị còn hùn vốn cùng bạn bè thành lập một công ty chuyên xuất khẩu rau quả sang châu Âu. Không chỉ tạo đầu ra ổn định cho chính trang trại của gia đình, công ty này hiện còn nhận bao tiêu sản phẩm cho các hộ nông dân khác quanh vùng.
Được đầu tư bài bản và quản lý khoa học, vườn cây ăn quả phát triển rất tốt dù điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cả trang trại được vận hành theo một quy trình khá khép kín. Một đầm chứa nước lót vải địa kỹ thuật sâu tới 5m và với thể tích lên tới 10.000 m3 vừa được hoàn thành để tích trữ nước giếng khoan phục vụ cho việc tưới tiêu, kết hợp nuôi thả 54.000 con cá rô đơn tính và cá trê. Khu chăn nuôi gia cầm cũng đang được tập trung nâng đàn, vừa để lấy phân bón cây, vừa tạo thêm nguồn thu nhập nhằm lấy ngắn nuôi dài. Bên cạnh việc tập trung chăm sóc và khai thác các vườn cây ăn quả hiện có, anh chị vẫn đang tiếp tục đầu tư phủ xanh khoảng 45 ha đất trống còn lại với 3 giống cây ăn quả chủ lực là cam, chanh và nho. Không phụ lòng người, chỉ riêng trang trại đã mang lại cho gia đình tổng doanh thu 1,5 triệu euro (khoảng 43,2 tỷ VND) vào năm 2013.
Dẫn chúng tôi đi tham quan bằng xe ô tô khắp khu trang trại rộng lớn, ông chủ trẻ Fahim cho biết gia đình vẫn còn một số dự định lớn song trước mắt sẽ tập trung để đưa vào khai thác nốt phần đất còn lại. Biết đâu, một ngày nào đó, mô hình này sẽ được mang về triển khai tại Việt Nam để biến những vùng đất hoang hóa, sa mạc chạy dài dọc vùng duyên hải miền Trung thành những ốc đảo xanh tươi, trù phú.
Hữu Chiến (P/v TTXVN tại Ai Cập)