Trung tá La Ngọc Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng (ĐBP) Thu Lũm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Lai Châu nhớ lại: Mô hình “Hũ gạo tình thương” ở Thu Lũm là ý tưởng của thượng tá Nguyễn Tiến Ngọc, nguyên Đồn trưởng ĐBP Thu Lũm.
Các chiến sĩ biên phòng ở Mường Tè còn giúp dân dựng nhà. |
Gắn bó với biên ải hàng chục năm trời, thượng tá Ngọc luôn trăn trở làm thế nào để giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi đơn vị đóng quân có cái ăn, cái mặc, được học hành. Trong một chuyến công tác xuống bản Coòng Khà, xã Thu Lũm, huyện Mường Tè năm 2009, thượng tá Ngọc gặp gia đình của hai học sinh Sừng Xố Xá và Mạ Mộ Hà. Nghe kể về hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi ngày hai cháu phải đi tới cả chục cây số để tới trường, thượng tá Ngọc đã bàn với cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường rồi báo cáo Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu giúp đỡ gia đình hai cháu bằng cách hỗ trợ 50kg gạo và 500.000 đồng/cháu. Được một thời gian, thấy cách này không hiệu quả; chỉ huy đồn quyết định đưa hai cháu về nuôi tại ĐBP Thu Lũm để tiện chăm sóc việc ăn ở, học tập. Cũng từ đó, ý tưởng về mô hình “Hũ gạo tình thương” bắt đầu hình thành trong mỗi cán bộ, chiến sỹ ĐBP Thu Lũm.
“Năm 2010, “Hũ gạo tình thương” đầu tiên ra đời tại Là Si - bản của đồng bào La Hủ ở huyện Mường Tè. Với “định mức” 5 - 7kg gạo/cháu học sinh/tháng, được trích từ tiền lương của cán bộ, chiến sỹ ĐBP Thu Lũm, “Hũ gạo tình thương” đã hỗ trợ thêm phần ăn cho hàng chục cháu học sinh nghèo hiếu học của bản Là Si. Đây là một bước cụ thể hóa Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và chương trình “Nâng bước chân em đến trường” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động trong toàn lực lượng” - trung tá La Ngọc Dương cho biết.
Chiến sỹ “quân hàm xanh” dạy chữ cho học sinh vùng cao. |
Tiêu chí để được nhận nuôi, đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước chân em đến trường” là các cháu học sinh từ lớp 6 đến hết lớp 9 trên địa bàn ĐBP Thu Lũm quản lý. Học hết chương trình THCS, ĐBP sẽ chuyển các cháu học sinh lên trường THPT vì trường có chế độ học bán trú cho học sinh các DTTS. Cháu Sùng Xố Xá được ĐBP Thu Lũm nuôi đến hết năm lớp 9 thì chuyển lên học trường THPT Thu Lũm, nay Xá đã học đến lớp 12 tại Trường Dân tộc nội trú bên xã Ka Lăng; thỉnh thoảng có dịp em vẫn đến thăm cán bộ, chiến sỹ trong ĐBP. Hiện nay, đồn đang nuôi hai cháu học sinh dân tộc Hà Nhì là Mạ Mộ Hà, học lớp 9 và cháu Lò Xé Giá, học lớp 6. Hai cháu này hằng ngày đến trường học, trưa và tối về sinh hoạt cùng các chú, các anh ở ĐBP. Không phải quân nhân nhưng tác phong, lề lối sinh hoạt của hai cháu như những chiến sĩ.
Trung tá Trần Nguyên Kỷ, Đồn trưởng ĐBP Thu Lũm tâm sự: Ban đầu, “Hũ gạo tình thương” của ĐBP Thu Lũm dự kiến chỉ dừng lại ở chỗ giúp con em đồng bào các dân tộc Mảng, Cống, La Hủ có thêm chút lương thực, đảm bảo sức khỏe để học tập tốt. Sau này, cấp ủy, chỉ huy đồn nhận thấy đây là mô hình hay, cách làm tốt nên đã đề xuất với BĐBP Lai Châu tiếp tục duy trì. Ngoài nuôi ăn, dạy học, mỗi cháu học sinh được đồn nhận nôi sẽ được hỗ trợ 3 bộ quần áo/năm học, Tết đến các cháu đều có quà của đồn.
Hiện nay mô hình “Hũ gạo tình thương” và “Nâng bước chân em đến trường” đã được Bộ Chỉ huy BĐBP Lai Châu ghi nhận và đã nhân rộng ra toàn tuyến biên giới của tỉnh, góp phần giúp đỡ các cháu học sinh nghèo hiếu học được tới trường, nâng bước chân, chắp cánh những ước mơ cho các em nhỏ.
Minh Thu