Hy Lạp căng thẳng trước cuộc bầu cử “định mệnh”

Sáng 17/5, chính phủ tạm quyền ở Hy Lạp đã tuyên thệ nhậm chức tại Phủ Tổng thống ở thủ đô Aten, với nhiệm vụ điều hành đất nước cho đến khi tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn mới dự kiến vào ngày 17/6.


 

Người dân Hy Lạp đổ xô đi rút tiền vì lo ngại viễn cảnh nước này bị loại khỏi Eurozone.

Ngay sau khi chính phủ tạm quyền tuyên thệ nhậm chức, Quốc hội mới gồm 300 thành viên đã được triệu tập và dự kiến sẽ sớm giải tán để mở đường cho cuộc bầu cử mới, sự kiện được cho là quyết định vận mệnh của Hy Lạp. Theo các nhà phân tích, không có gì đảm bảo rằng cuộc tổng tuyển cử mới sẽ tạo ra một chính phủ có thể đứng vững khi Liên minh các lực lượng cực tả (Syriza) - đảng về thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, theo chủ trương phản đối thỏa thuận cứu trợ từ EU-IMF, nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử mới. Một thắng lợi của Syriza cũng đồng nghĩa với nhiều bất ổn hơn đối với tương lai của Hy Lạp trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone). Ngày 17/5, thủ lĩnh mới nổi của Syriza, Alexis Tsipras vẫn kiên quyết không chịu từ bỏ yêu cầu chấm dứt các chính sách khắc khổ. “Chúng tôi sẽ không bao giờ tham gia một chính phủ nhằm cứu nguy cho gói cứu trợ”, lãnh đạo 37 tuổi của phe cực tả tuyên bố.


Trong khi đó, các ngân hàng Hy Lạp vẫn tìm mọi cách trấn an người dân đang đổ xô đi rút tiền, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu tuyên bố đã ngừng các hoạt động thanh toán bằng tiền mặt với một số ngân hàng Hy Lạp do vốn của họ đã bị rút sạch. Hiện chưa rõ ngân hàng nào hoặc bao nhiêu ngân hàng đã bị ảnh hưởng bởi quyết định trên. Theo một nguồn tin, vốn của 4 ngân hàng tại Hy Lạp đã bị rút sạch đến mức họ chỉ còn đang hoạt động bằng nguồn tài sản cầm cố âm.


Những ngày gần đây, kể từ sau khi nỗ lực cuối cùng nhằm thành lập chính phủ mới thất bại và Hy Lạp phải tổ chức bầu cử lại, người dân nước này đã đổ xô đi rút hàng trăm triệu euro từ các ngân hàng trước viễn cảnh Hy Lạp có thể bị loại khỏi Eurozone. Trước đó, theo thống kê, từ tháng 1/2010 đến tháng 3/2012, người dân đã rút tới 1/3 tổng lượng tiền gửi tại các ngân hàng Hy Lạp. Chỉ riêng trong ngày 16/5 vừa qua, người dân Hy Lạp đã rút khoảng 800 triệu euro dù không có hiện tượng hoảng loạn như từng xảy ra vào tháng 4/2010, khi 8 tỉ euro tiết kiệm đã được rút ngay trước khi Aten nhận gói cứu trợ đầu tiên.


Một cuộc ra đi của Hy Lạp khỏi Eurozone được cho là sẽ khiến các nước thành viên khác thiệt hại hàng trăm tỉ euro, trong đó Đức sẽ là nước chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ngày 17/5, Tổng Giám đốc IMF, bà Christine Lagarde đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Hy Lạp cần chứng tỏ quyết tâm ở lại Eurozone. Bà Lagarde cũng cảnh báo, một cuộc ra đi “sẽ gây khó khăn và thiệt hại cực kỳ lớn không chỉ đối với Hy Lạp”.

 

Thu Hằng


 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN