Ngày 6/8, Tòa án Hiến pháp Indonesia bắt đầu mở phiên đầu tiên xét xử vụ kiện về kết quả cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/7 theo đơn kiện của ứng viên thất cử Prabowo Subianto.
Ngày 5/8, phát biểu với giới truyền thông, Chủ tịch Tòa án Hiến pháp Indonesia Hamdan Zoelva đã khẳng định tòa sẽ xét xử vụ kiện này một cách công bằng, trung thực và độc lập theo đúng quy định của luật pháp và hiến pháp, trên cơ sở các sự kiện và bằng chứng xác thực và sẽ không bị tác động bởi bất cứ áp lực nào từ các các cơ quan nhà nước, các đảng chính trị, các tổ chức quần chúng hay những người biểu tình ủng hộ cho bất kỳ bên liên quan nào.
Ông Hamdan Zoelva cũng đã kêu gọi hai bên của các ứng viên thất cử và đắc cử tổng thống không tổ chức biểu tình trong thời gian diễn ra các phiên xét xử của Tòa án Hiến pháp, đồng thời cho biết thêm dự kiến sau 14 ngày làm việc, tòa sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện.
Trong một động thái liên quan, để đảm bảo an ninh trật tự, Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Indonesia (Polri) sẽ triển khai 22.000 nhân viên xung quanh khu vực Tòa án Hiến pháp trong suốt thời gian xét xử vụ kiện, và đảm bảo an toàn 24/24 cho toàn bộ các thành viên Hội đồng thẩm phán.
Trước đó, ngày 22/7, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Indonesia (KPU) đã tuyên bố ứng viên Joko Widodo giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ phiếu cử tri 53,15% so với 46,85% của ứng viên đối thủ Prabowo Subianto. Ngày 25/7 ông Prabowo Subinato nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp cáo buộc cuộc bầu cử đã bị gian lận một cách có hệ thống trên quy mô lớn, KPU đã không công bằng và vi phạm các quy định trong thực thi nhiệm vụ của mình.
Tòa án Hiến pháp Indonesia cũng vấp phải các vụ kiện tương tự của bên thất cử trong các cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 và 2009 song đều đã đưa ra phán quyết cuối cùng công nhận kết quả do KPU công bố.
TN