"Dịch bệnh là một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng tới chỉ số thông minh của trẻ (IQ), bên cạnh các yếu tố khác như: Di truyền, phản ứng thuốc và chăm sóc khi mang thai, sang chấn tâm lý, yếu tố dinh dưỡng... ", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, cho biết tại hội thảo "Dịch bệnh và nguy cơ ảnh hưởng chiều cao, chỉ số thông minh ở trẻ”, do Viện Dinh dưỡng và Chi hội dinh dưỡng lâm sàng, tổ chức ngày 26/7, tại Hà Nội.
Người có điểm IQ từ 85- 115 được đánh giá là có trí tuệ bình thường, tương đương ,26% dân số; từ 115- 130 là thông minh, tương đương 13,59% dân số; từ 130- 145 là có tài, tương đương 2,14% dân số; từ 145- 160 là thiên tài, tương đương 0,13%. |
Theo PGS.TS Lâm, một nghiên cứu quốc tế cho thấy sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột (bị tiêu chảy, tả, thương hàn) thường bị giảm khả năng nhận thức, trẻ có thể mất 10 điểm IQ so với những trẻ không mắc bệnh. "Dịch tay chân miệng đang diễn ra với những biến chứng viêm não cấp, có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh của trẻ. Điều đáng lưu ý là sự suy giảm trí tuệ từ dịch bệnh đôi khi có thể là vĩnh viễn", PGS.TS Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo.
Để phòng tránh dịch bệnh cho trẻ, trước hết cần xây dựng thói quen rửa tay với xà phòng để ngăn chặn sự lây lan của vi sinh vật gây bệnh. Đa số các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm thường liên quan đến tác nhân là lây bệnh qua bàn tay - vật trung gian tiếp xúc với những nguy cơ bên ngoài và trực tiếp truyền vào cơ thể. Các bậc cha mẹ cũng cần chú ý đến việc duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý, tạo thói quen hoạt động thể chất cho trẻ…
Phương Liên