Hội nghị được quốc tế trông đợi bấy lâu nhằm tìm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột tại Syria chính thức khai mạc hôm nay, ngày 22/1, tại Geneva, Thụy Sĩ. Trước khi tới hội nghị, được gọi tắt là Geneva 2, các bên liên quan đã rất nỗ lực vượt qua nhiều trở ngại, nhưng triển vọng về một bước đột phá tại đây là tương đối thấp.
Tổng thống Bashar al-Assad gặp gỡ phái đoàn tham dự Hội nghị Geneva 2. Ảnh: THX/TTXVN |
Hiếm có hội nghị nào mà việc tổ chức lại gặp nhiều trắc trở như Geneva 2. Trước buổi khai mạc đã xuất hiện hàng loạt tranh cãi giữa chính phủ Syria và phe đối lập: Từ việc chọn lựa lá cờ đặt trên bàn đàm phán (cờ Syria hay “cờ cách mạng” của quân nổi dậy), đến loại bàn nào sẽ được sử dụng... Nhưng gian nan nhất là thành phần tham dự. Hội nghị thậm chí còn đứng trước nguy cơ đổ bể, do phe đối lập mà đại diện là Liên minh Dân tộc Syria (SNC) tuyên bố không tham dự vì Iran cũng được Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon mời tham gia. Lối thoát chỉ xuất hiện khi ông Ban Ki-moon trong ngày 20/1 rút lại lời mời, do chính quyền Tehran không chấp thuận điều kiện tham dự theo tinh thần Tuyên bố chung tại Hội nghị Geneva 1 (6/2012).
SNC ngay sau đó nói rằng sẽ dự Hội nghị, nhưng phe đối lập lại phải chứng kiến sự chia rẽ nội bộ: Hội đồng Dân tộc Syria (NC) - khối đối lập lớn nhất ở trong nước - tuyên bố sẽ rút khỏi SNC để phản đối Hội nghị, vì chưa thấy lộ trình rõ ràng cho việc từ nhiệm của Tổng thống Bashar al-Assad.
“Sứ mệnh của hy vọng” - đó là ngôn từ mà nhiều người đã nhắc đến khi nói về vai trò của Geneva 2. Nhưng dường như hy vọng đó không có cơ sở để chuyển hóa thành hiện thực. Lý do là vì: Phái đoàn chính phủ Syria và phe đối lập lên đường tới Geneva với các mục tiêu hoàn toàn khác biệt.
Tại Hội nghị, chính phủ Syria được dự đoán là sẽ bảo lưu quan điểm khủng hoảng tại Syria phải do chính người Syria giải quyết; yêu cầu các bên liên quan có nhận thức chung về chống khủng bố, chống can thiệp từ bên ngoài. Đây phải là ưu tiên trọng tâm của nghị trình thảo luận, sau đó mới đến bước tiếp theo: Tái khởi động đàm phán về chính phủ chuyển tiếp.
Ngược lại, SNC và các nước phương Tây sẽ xoáy sâu vào lộ trình chuyển đổi dân chủ theo tinh thần Tuyên bố chung tại Hội nghị Geneva 1, gắn với việc loại bỏ vai trò của Tổng thống Assad trong giai đoạn hậu chính phủ chuyển tiếp. Đây sẽ là chủ đề “gai góc” nhất, vì trả lời phỏng vấn hãng tin AFP ngày 19/1, ông Assad đã tuyên bố rằng không chấp nhận chia sẻ quyền lực với phe đối lập; khẳng định sẽ ra tranh cử Tổng thống trong kì bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới.
Với những thách thức, khác biệt trên, Geneva 2 có lẽ chỉ dừng lại ở mức độ các bên tham gia trao cho nhau những cặp tài liệu và thể hiện quan điểm riêng của mình - như cách nói của một cựu Bộ trưởng trong chính phủ Liban. Thậm chí, có đánh giá khác tiêu cực hơn thì cho rằng: Vấn đề không phải là hội nghị này có thất bại hay không, mà là sẽ thất bại theo cách nào - chuyên gia Richard Gowan tại Đại học New York nhìn nhận.
Hoài Thanh