Kể từ khi quyết định thu mua tạm trữ lúa vụ hè thu của Chính phủ có hiệu lực (15/7), giá lúa đã có chiều hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, với việc thu mua ở mức 1 triệu tấn quy gạo, theo nhiều địa phương, chỉ “như muối bỏ bể” và không giúp người trồng lúa có lãi đạt 30% như kỳ vọng.
Giá lúa có tăng
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tính đến thời hạn cuối cùng của đợt thu mua tạm trữ (15/8), 114 doanh nghiệp được giao chỉ tiêu đã hoàn tất kế hoạch thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2013.
Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo của Chính phủ mỗi khi bước vào thời điểm thu hoạch rộ trong nhiều năm qua được nhìn nhận là một chủ trương đúng và phù hợp với tình hình, giúp nông dân tiêu thụ lúa, góp phần kiềm chế tình trạng sụt giá. Theo đó, trong thời gian 1,5 tháng thực hiện thu mua tạm trữ, giá lúa đã nhích dần lên.
Mua lúa, gạo tạm trữ tại Xí nghiệp Chợ trung tâm nông sản Thanh Bình, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Hiện giá lúa khô tại kho ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) loại thường dao động từ 5.300 - 5.400 đồng/kg, tăng khoảng 350 đồng/kg và lúa dài khoảng 5.500 - 5.600 đồng/kg, tăng 250 đồng/kg, so với thời điểm trước ngày 15/7. Giá lúa thu mua tăng đã kéo giá gạo nguyên liệu tại các địa phương tăng từ 150-350 đồng/kg. Ông Phạm Văn Bé ở huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) cho biết: “Giá lúa có tăng, nhưng chỉ ở mức hòa vốn và lãi nhẹ chứ chưa thật sự đạt được 30% lãi như chủ trương của ngành nông nghiệp hướng đến”.
Theo kế hoạch của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 8 sẽ thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ lúa hè thu với diện tích khoảng 0.000 ha, sản lượng quy gạo sẽ khoảng 1.870.000 tấn, trong đó có 1.512.000 tấn gạo hàng hóa, chiếm khoảng hơn 40% lượng lúa hàng hóa của cả vụ này (3.320.800 tấn).
Nhưng tác động chưa lớn
Tác động từ chính sách thu mua tạm trữ là có, nhưng chưa lớn như mong đợi của các ngành chức năng cũng như của người nông dân. Nguyên nhân là do việc phân giao chỉ tiêu thu mua chưa đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ lúa. Đơn cử, Kiên Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa cao nhất các tỉnh ĐBSCL, lên đến gần 1,6 triệu tấn, trong khi chỉ tiêu được giao mua tạm trữ của địa phương này chỉ có 85.000 tấn gạo, tương đương khoảng 1/10 sản lượng.
VFA thừa nhận, việc phân giao chỉ tiêu mua tạm trữ chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ lúa, do lượng tạm trữ chỉ bằng khoảng 15% tổng sản lượng cần tiêu thụ. Thời gian tới, việc phân bổ chỉ tiêu thu mua tạm trữ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa VFA và UBND các tỉnh. VFA đã kiến nghị Chính phủ giao việc thu mua tạm trữ lúa, gạo về các địa phương với mong muốn các địa phương căn cứ vào sản lượng lúa trên địa bàn và năng lực của doanh nghiệp để phân bổ trực tiếp sản lượng thu mua, giúp giải quyết tốt hơn bài toán sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu gạo.
Năm 2013, thị trường không thuận lợi, nếu không tổ chức mua tạm trữ như những năm vừa rồi thì giá còn xuống rất thấp, nông dân sẽ là người chịu thiệt đầu tiên. |
Theo Bộ NN&PTNT cũng như VFA, thu mua tạm trữ lúa, gạo không phải là giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho nông dân mà là giải pháp để điều tiết thị trường, hỗ trợ thu mua lúa trong giai đoạn cao điểm thu hoạch lúa nhằm đẩy giá lúa lên theo chiều hướng có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, “do đặc thù các vùng miền, điều kiện sản xuất và giá xuất khẩu nên việc nông dân hưởng lợi mức 30% là không nhiều và một số nơi không đạt được. Trong điều kiện kinh tế khó khăn, thị trường xuất khẩu không thuận lợi thì các bộ ngành, Chính phủ cũng như nông dân cùng phải chia sẻ”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám thừa nhận.
Mặt khác, theo VFA, việc giá lúa thu mua trong nước không tăng đạt kỳ vọng của người nông dân không chỉ phụ thuộc vào quan hệ cung cầu trong nước mà còn chịu ảnh hưởng từ giá xuất khẩu. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, so với cùng kỳ năm 2012, giá gạo xuất khẩu quý I/2013 giảm bình quân hơn 44,5 USD/tấn. Hiện giá xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm cũng khiến các doanh nghiệp tham gia tạm trữ lúa gạo e ngại về việc tiêu thụ chậm và nguy cơ bị lỗ. Theo VFA, tính đến ngày 15/8, cả nước xuất khẩu được hơn 4,2 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch hơn 1,8 tỷ USD.
Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối, chính sách thu mua tạm trữ lúa hiện nay giúp người nông dân được hưởng lợi đầu tiên. Bởi năm 2013, thị trường không thuận lợi, nếu không tổ chức mua tạm trữ như những năm vừa rồi thì giá còn xuống rất thấp, nông dân sẽ là người chịu thiệt đầu tiên.
M.Thuyết -TTN