Với tổng cộng 60 cuộc họp, hội thảo, đối thoại với sự tham dự của hơn 1.900 đại biểu đại diện 21 nền kinh tế thành viên, các tổ chức quốc tế, khu vực, cũng như nhiều học giả, doanh nghiệp và báo chí, Hội nghị SOM 1 và các cuộc họp liên quan là sự kiện lớn đầu tiên của Năm APEC Việt Nam 2017.
Trong ngày làm việc cuối cùng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp APEC 2017 (Chủ tịch SOM APEC 2017), Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị đã trao đổi, thống nhất và thông qua bốn ưu tiên hợp tác của Diễn đàn APEC trong năm 2017.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017, Chủ tịch SOM APEC 2017 chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN |
Đó là thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; tăng cường liên kết kinh tế sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nền kinh tế cũng đã thảo luận sôi nổi nhằm làm rõ nội hàm của bốn ưu tiên, với những đề xuất và sáng kiến mới và thiết thực, gắn với quan tâm của người dân và doanh nghiệp của khu vực.
Xuyên suốt các cuộc họp, các nền kinh tế APEC đã thể hiện sự đồng thuận về thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế, thương mại tự do, góp phần vào tăng trưởng khu vực.
Trên tinh thần đó, các nền kinh tế đã thảo luận nhiều nội dung hợp tác lớn như thực hiện các Mục tiêu Bogor, từng bước hiện thực hoá Khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP), thúc đẩy cải cách cơ cấu, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy kết nối, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bảo đảm an ninh lương thực...
Các đại biểu cũng đã thống nhất và thông qua lịch hoạt động của cả năm 2017, bao gồm các Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM), Hội nghị Bộ trưởng và tương đương, Tuần lễ cấp cao vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng, cũng như thống nhất trọng tâm hợp tác của các ủy ban và nhóm công tác nhóm họp lần này. Nhiều dự án nâng cao năng lực cũng được đề xuất nhằm hỗ trợ các thành viên tận dụng tốt hơn các cơ hội thương mại, đầu tư, kinh doanh... tiến trình hợp tác APEC mang lại.
Trong vai trò chủ nhà, Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến lớn cho năm 2017 và bước đầu nhận được sự ủng hộ của các nền kinh tế. Trong số này, có thể kể đến đề xuất về việc thúc đẩy tính bao trùm trong phát triển của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cả về kinh tế, xã hội và tài chính.
Sáng kiến được kỳ vọng sẽ kết nối các chương trình hợp tác hiện có của APEC, giúp mọi người dân đều được hưởng thụ những thành quả của toàn cầu hoá và tự do hoá thương mại. Việt Nam cũng đề xuất hình thành cơ chế thảo luận về hợp tác APEC trong tương lai dài hạn, trong đó có hình thành Tầm nhìn của Diễn đàn sau năm 2020, bên cạnh các đề xuất cụ thể để đẩy nhanh chương trình nghị sự về tự do hoá thương mại và đầu tư, hướng tới các mục tiêu Bogor vào năm 2020.
Tại các hoạt động lần này, 7 Bộ, ngành Việt Nam cũng đã chủ trì, đồng chủ trì các cơ chế APEC, gồm Bộ Ngoại giao, Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Khoa học và Công nghệ và Thanh tra Chính phủ.