Trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Trên 20% diện tích đất đai cả nước bị ô nhiễm bom mìn. Tai nạn bom mìn vẫn xảy ra gây thương vong cho con người, ảnh hưởng tiêu cực đến khai thác, sử dụng tài nguyên đất, rừng và nước, gây tâm lý bất an cho nhân dân.
Sự vào cuộc quyết liệt
Phát biểu tại Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tổ chức mới đây tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Gần 40 năm qua, Việt Nam đã được sống trong hòa bình nhưng hậu quả chiến tranh vẫn còn dai dẳng, nặng nề. Tình trạng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vẫn hiện hữu ở hầu hết các địa phương trong cả nước, ảnh hưởng đến sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của mỗi địa phương và đã gây ra nhiều hậu quả thương tâm đối với cuộc sống của người dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước đã có trên 42.000 người chết và 62.000 người bị thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh. Bình quân mỗi năm ở Việt Nam có trên 1.500 người chết và gần 2.300 người bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có rất nhiều trẻ em.
Cán bộ chiến sĩ Công ty Trường An (Bộ Tổng Tham mưu) tham gia rà phá bom mìn tại xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). |
Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm nghiên cứu, xây dựng hệ thống thể chế quản lý, điều hành và đầu tư ngân sách, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Các lực lượng chức năng đã dò tìm, thu gom, xử lý bom mìn, vật nổ, giải phóng hàng trăm nghìn hécta đất đai, góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, tái tạo quỹ đất, bảo đảm môi trường, điều kiện an toàn cho sản xuất, đời sống của nhân dân, làm giảm thương tích do tai nạn bom mìn gây ra.
Những kết quả trên thể hiện sự quan tâm đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện có hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực rất lớn của toàn xã hội và nhân dân Việt Nam. Trong quá trình đó, Việt Nam đã và đang nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và bạn bè quốc tế. Ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 504/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập vào đời sống xã hội. Trên cơ sở đó, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 được thành lập.
Xoa dịu nỗi đau
Thời gian qua, Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình 504 đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành và triển khai điều phối các hoạt động trong lĩnh vực này; bước đầu xây dựng Nghị định về quản lý khắc phục hậu quả bom mìn. Xây dựng, hoàn thiện các quy chế hoạt động, quy chế quản lý; triển khai xây dựng, hoàn thiện cơ chế vận động tài trợ, cơ chế điều phối; phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực trong ký kết hợp tác song phương.
Trong 2 năm (2012 và 2013), trên cả nước có gần 100.000 ha đất được tổ chức rà phá bom mìn. Ban chỉ đạo đã đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nước và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế; tổ chức sự kiện, chương trình tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng; tổ chức hội nghị vận động tài trợ; tiếp tục triển khai các dự án hỗ trợ nạn nhân, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn.
Ông Bùi Hồng Lĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 504 cho biết: Công tác hỗ trợ nạn nhân bị bom mìn là công việc thường xuyên của ngành lao động, thương binh và xã hội. Từ khi có Chương trình 504, vấn đề hỗ trợ nạn nhân bom mìn được tiến hành bằng những dự án và đang được các cấp, ngành liên quan xúc tiến thực hiện. Nhằm thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị bom mìn, cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, điều tra mật độ ô nhiễm bom mìn và nắm cụ thể đối tượng, nạn nhân bị bom mìn trong thời gian qua để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp. Theo ông Bùi Hồng Lĩnh, thời gian qua, Ban Chỉ đạo 504 đã tiến hành hỗ trợ một phần kinh phí cho 10 trạm xá cơ sở nằm trong vùng ô nhiễm bom mìn.
Tại Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ông Samuel Perez, Phó Trợ ký Ngoại trưởng Hoa Kỳ; ông Stefano Toscan, Đại sứ, Giám đốc Trung tâm rà phá mìn nhân đạo quốc tế Giơnevơ; Đại sứ Hungary, Đại sứ Na Uy, Đại sứ Hàn Quốc... đã bày tỏ chia sẻ với Việt Nam - một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn và vật nổ. Các nhà tài trợ cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong khắc phục hậu quả bom mìn cũng như các cam kết quốc tế mà Việt Nam thực hiện liên quan đến công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.
Tại Hội nghị đối tác phát triển khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, các đối tác cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn lực, kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng của bom mìn sau chiến tranh. Đồng thời mong muốn nhận được sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ của Việt Nam trong trao đổi thông tin, cung cấp dữ liệu, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chương trình hành động về rà phá, khắc phục hậu quả bom mìn. |
Bài và ảnh: V.Tôn