Nhiều năm qua, các y sĩ, bác sĩ Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn thuộc Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 (hay còn gọi là Trại rắn Đồng Tâm) đã cấp cứu kịp thời và điều trị thành công cho hàng chục ngàn trường hợp bị rắn độc cắn ở khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Do đặc thù vùng sông nước có nhiều loại rắn sinh sống, nên bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long thường hay bị rắn độc cắn, đặc biệt mỗi khi bước vào mùa mưa hay những tháng mùa lũ. Trung tá, bác sĩ Vũ Ngọc Lương, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm cho biết: Trung bình mỗi năm, Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc tiếp nhận và điều trị cho trên 1.000 trường hợp bị rắn cắn, với tỷ lệ thành công gần như tuyệt đối (nếu bệnh nhân chuyển đến khoa khi còn sống). Bệnh nhân bị rắn cắn nhiều nhất là vào thời điểm đầu mùa mưa, nhất là các hộ dân nghèo ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các bệnh nhân được miễn phí tiền phòng, tiền điện và viện phí khi đến trung tâm điều trị.
Theo các y, bác sĩ ở đây, “bí quyết” trong quá trình điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn là chẩn đoán chính xác bệnh nhân bị loài rắn nào cắn để có hướng điều trị đạt hiệu quả cao. Để làm được điều này thì các y, bác sĩ của khoa phải trải qua một hành trình dài nghiên cứu và đúc kết kinh nghiệm thực tế tích luỹ được sau nhiều năm miệt mài điều trị cho bệnh nhân bị rắn cắn. Những y, bác sĩ của Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc chỉ cần nhìn vào vết thương của nạn nhân bị rắn cắn là xác định được bệnh nhân bị loại rắn gì cắn.
Nhiều bệnh nhân bị rắn độc cắn khi chuyển đến trung tâm trong tình trạng nguy cơ tử vong rất cao, nhưng bằng sự nhiệt huyết, lòng yêu nghề cộng với trình độ chuyên môn cao, nên các y, bác sĩ của Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn đã giành lại sự sống cho nhiều người. Bệnh nhân Trương Thị Kim Liên, ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An khi đang làm việc nhà thì bất ngờ bị rắn lục đuôi đỏ cắn bị thương. Bệnh nhân được người nhà chuyển đến Khoa cấp cứu và điều trị rắn độc cắn trong tình trạng mê man bất tỉnh. Sau 4 ngày được các y, bác sĩ ở đây tích cực điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và đang chờ ngày xuất viện.
Trước đây, các nạn nhân bị rắn cắn khi chuyển tới Trung tâm được chữa trị chủ yếu bằng phương pháp đông y. Sau hơn 4 năm nghiên cứu, đến năm 2004, Trung tâm bắt đầu áp dụng phương pháp điều trị rắn độc cắn bằng kháng huyết thanh (kháng nọc rắn để điều trị). Đây là kết quả của quá trình phối hợp nghiên cứu giữa Trung tâm với Viện Sinh phẩm số 2 - Bộ Y tế và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Việc điều trị rắn độc cắn bằng kháng huyết thanh kết hợp với phương pháp điều trị bằng đông y mang lại hiệu quả cao.
Công Trí