Khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G-20

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) đã khai mạc chiều 5/9 tại St. Petersburg, thủ đô phương bắc của Liên bang Nga.


Nặng nỗi lo kinh tế


Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Mỹ và một số nước phương Tây đang ráo riết chuẩn bị phát động tấn công quân sự vào Syria giữa lúc thị trường tài chính thế giới tiếp tục bất ổn, vấn đề thất nghiệp ngày càng trở nên trầm trọng tại nhiều nước, nền kinh tế thế giới phát triển thiếu cân bằng.


 

Tổng thống Nga Putin (trái) đón Tổng thống Mỹ Obama tại St. Petersburg ngày 5/9. Ảnh: Kyodo

 

Theo phóng viên TTXVN có mặt tại St. Petersburg, trước lễ khai mạc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành một loạt cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Italy Enrico Letta... Trước đó, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng đã nhóm họp nhằm thống nhất cách tiếp cận đối với những vấn đề phức tạp nhất tại hội nghị G-20. Tại cuộc họp này, các nước thành viên BRICS cam kết đóng góp 100 tỷ USD vào quỹ dự trữ ngoại tệ chung nhằm ổn định các thị trường tiền tệ.


Theo kế hoạch, trong ngày họp đầu tiên, Hội nghị thượng đỉnh G-20 tập trung trao đổi về tăng trưởng và tình hình kinh tế toàn cầu. Một trong những vấn đề cấp thiết nhất được thảo luận là tình trạng tăng trưởng kinh tế chững lại ở một số khu vực, cách thức tìm kiếm các nguồn đầu tư phát triển dài hạn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh tiếp tục có những bất ổn trên các thị trường tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và sự mất cân đối trên toàn cầu, mục tiêu chính của G-20 hiện nay là kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, ổn định và cân bằng.


Nóng vấn đề Syria


Theo dự kiến, bên lề Hội nghị G-20 cũng sẽ diễn ra các cuộc gặp cấp cao song phương và dư luận quốc tế đang đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama, với nội dung trọng tâm sẽ được đề cập là cuộc khủng hoảng tại Syria. Đây là vấn đề được thế giới rất quan tâm, dù nó không chính thức nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị. Điều này đã được thể hiện ngay trong phiên khai mạc 5/9, khi ông Putin đề xuất thảo luận tình hình Syria trong bữa tiệc làm việc tối cùng ngày.


Một mục tiêu lớn mà ông Obama dự định thực hiện trong hội nghị này đó là thuyết phục thế giới ủng hộ kế hoạch tấn công quân sự Syria, với lý do chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Trong khi đó, Nga phản bác cáo buộc này, đồng thời cảnh báo việc Mỹ đe dọa Syria là không thể chấp nhận, và một cuộc tấn công mà không được sự chấp thuận của Liên hợp quốc (LHQ) sẽ vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.


Trước thềm hội nghị G-20, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua nghị quyết cho phép thực hiện tấn công quân sự vào Syria. Đây được coi là chướng ngại vật đầu tiên mà Tổng thống Barack Obama vượt qua trong cuộc đua giành sự ủng hộ của Quốc hội. Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chỉ là thành công bước đầu của ông Obama. Theo Tân Hoa xã, chướng ngại vật tiếp theo sẽ khó khăn hơn vì Hạ viện thậm chí còn bị chia rẽ sâu sắc hơn Thượng viện về giải pháp với cuộc xung đột ở Syria.


Ngoài nhiệm vụ nặng nề là thuyết phục Nga, ông Obama còn phải “đương đầu” với Trung Quốc - một thành viên có quyền phủ quyết tại Hội đồng bảo an LHQ và đã từng bày tỏ lo ngại sâu sắc về việc tấn công quân sự đơn phương.


Phát biểu tại thành phố Saint Petersburg của Nga, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Guangyao nhấn mạnh quan điểm của nước này là “giải pháp chính trị là cách duy nhất để giải quyết vấn đề Syria”, đồng thời cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề một khi giá dầu thô bị đẩy lên cao khi xảy ra can thiệp quân sự vào Syria.


TTG-T.D

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN