Khai thác tốt các công trình thủy lợi

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, Kpă Thuyên cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai có trên 314 công trỉnh thủy lợi kiên cố, gồm 98 hồ chứa, 177 đập dâng, 39 trạm bơm điện, với tổng năng lực thiết kế tưới cho 47.464 ha. Trong đó, tưới cho lúa là 30.150 ha, cây công nghiệp và rau màu là 17.314 ha. Vụ đông xuân vừa qua, hệ thống các công trình thủy lợi đã phục vụ tưới cho 24.600 ha lúa nước, trên 14.482 ha cây công nghiệp và hoa màu các loại. Trên địa bàn tỉnh còn có nhiều công trình thủy lợi tạm do người dân tự làm có thể tưới cho trên 50.000 ha cà phê, hồ tiêu.


Đảm bảo nước tưới

Theo đánh giá của ông Kpă Thuyên, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Gia Lai ngoài việc đảm bảo phục vụ tưới ổn định cho diện tích lúa vụ đông xuân, cây công nghiệp và hoa màu, còn giúp cho việc thâm canh tăng năng suất cây trồng, cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, góp phần quan trọng cắt giảm lũ, hạn chế thiên tai. Một số công trình thủy lợi lớn như hồ Ayun hạ, hồ Chư Prông, hồ Biển Hồ… còn khai thác tổng hợp về thủy điện, du lịch, nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, từ khi có các công trình thủy lợi, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở các làng vùng sâu, vùng xa đã ổn định cuộc sống, định canh định cư, khai hoang mở rộng diện tích gieo cấy lúa nước, trồng cà phê, hồ tiêu… nên đời sống của đồng bào từng bước được nâng cao.


 

Nhiều công trình thủy lợi đã xuống cấp không tích đủ nước phục vụ sản xuất. Ảnh: Viết Tôn

 

Ở các hồ chứa vừa và lớn như hồ Ayun hạ, hồ Ia Ring, hồ Chư Prông… công tác vận hành đều thực hiện tuân thủ đúng quy trình vận hành của công trình đã được phê duyệt. Các công trình thủy lợi khác đang được tỉnh Gia Lai tiến hành rà soát, hoàn chỉnh quy trình vận hành như Biển Hồ, Hoàng Ân, Ia H’rung, Hà Ra Bắc, Hà Ra Nam… Công tác đảm bảo an toàn đập được thực hiện thường xuyên. Tỉnh cũng đánh giá lập phương án sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi bị hư hỏng đảm bảo tích nước cũng như an toàn công trình trong các mùa mưa bão.


Nhằm chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất, dân sinh, hạn chế thiệt hại do thiên tai lũ lụt gây ra và bảo vệ môi trường sinh thái, tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ tăng cường nguồn vốn đầu tư nâng cấp, sửa chữa các hạng mục công trình đầu mối các hồ chứa nước xây dựng đã lâu, tăng thêm nguồn vốn cho việc đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương dẫn nước, đồng thời, xây dựng mới các công trình thủy lợi vừa và lớn như hồ Ia Mơr, Ia Thul, Suối Lơ, Tầu Dầu, Ia Ke, Ia Rtô…

Tỉnh Gia Lai cũng thực hiện tốt công tác phòng chống ô nhiễm nguồn nước trong hệ thống công trình thủy lợi bằng nhiều biện pháp như trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, tưới tiết kiệm nước, bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp với từng địa bàn, ban hành quy định cụ thể về việc xả nước thải vào công trình thủy lợi, đầu tư thích đáng cho việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi…


Cần chiến lược đầu tư dài hạn


Do đa số công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng đã lâu, thiếu đồng bộ, hệ thống kênh mương chưa hoàn chỉnh, hạn chế kinh phí đầu tư tu bổ, sửa chữa… nên nhiều công trình thủy lợi chưa phát huy hiệu quả. Thậm chí, nhiều công trình đã xuống cấp nghiêm trọng không tích đủ nước phục vụ thâm canh các loại cây trồng. Ý thức, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế nên vẫn còn xảy ra tình trạng lấy cắp trang thiết bị, lấn chiếm hành lang bảo vệ của công trình… nhưng việc xử lý của các cấp chính quyền địa phương chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe đối với các đối tượng vi phạm trong quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi trên địa bàn…


Đặc biệt, ưu tiên nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Quy hoạch, khoanh vùng chuyên canh cho từng loại cây trồng thích hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho những vùng thường xuyên thiếu nước, tăng cường nguồn vốn đầu tư cho công tác trồng rừng, bảo vệ rừng đầu nguồn để duy trì nguồn sinh thủy, hạn chế lũ tập trung nhanh và bảo vệ được thảm phủ thực vật.


Tỉnh Gia Lai cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm cụ thể hóa các chế độ, chính sách trong công tác quản lý bảo vệ công trình thủy lợi như định mức trong quản lý khai thác, định mức nước cho cây trồng… để góp phần khai thác có hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, đời sống cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn.


Huy Quang


Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN