Nếu không được xử lý tốt, chất thải y tế có thể gây tác hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, đó là nhận định của nhiều chuyên gia môi trường. Tuy nhiên, vấn đề xử lý chất thải y tế tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.
Có cũng như không
Đó là thực trạng khá phổ biến tại các bệnh viện (BV) của Việt Nam, kể cả các bệnh viện tuyến trung ương và địa phương. Với một số bệnh viện khác, hệ thống xử lý rác thải “có cũng như không” do những yếu kém trong khâu vận hành và bảo trì hệ thống, dẫn tới hư hỏng, xuống cấp và ngừng hoạt động.
Nhân viên vệ sinh đốt rác thải y tế tại bệnh viện.ytehagiang.org.vn |
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), toàn quốc hiện có trên 1.300 BV công lập và bệnh viện tư, mỗi ngày thải ra khoảng trên 0 tấn chất thải y tế, trong đó có 40 tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, qua kiểm tra, chỉ có khoảng 45,3% số BV có nơi lưu giữ chất thải y tế đảm bảo yêu cầu vệ sinh theo quy định.
Cũng theo kết quả kiểm tra, hiện có hơn 90% BV thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) y tế ngay tại nơi phát sinh, nhưng chỉ có 50% trong số này là thực hiện phân loại đúng từng loại chất thải theo các quy định trong Quyết định 43 năm 2007 của Bộ Y tế. “Thực tế ở nhiều nơi vẫn chưa thực hiện đúng quy định, còn hiện tượng phân loại nhầm, lẫn chất thải y tế vào chất thải sinh hoạt hoặc chất thải sinh hoạt vào chất thải nguy hại. Có nơi còn sử dụng các vỏ chai nước khoáng, nước ngọt để đựng bơm kim tiêm thải loại”, một chuyên gia cho biết.
TS Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Xử lý chất thải y tế còn khó khăn
Trong thành phần CTR y tế, chất thải nguy hại chứa các vi sinh vật, chất phóng xạ, hóa chất, các kim loại nặng và các chất độc gây đột biến tế bào, là dạng chất thải có thể sẽ gây những tác động tiềm tàng tới môi trường và sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những người phải tiếp xúc trực tiếp, nên rất cần quản lý chặt. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, không chỉ với CTR y tế mà cả trong quản lý CTR nguy hại nói chung, đều gặp rất nhiều khó khăn do một số chính sách được ban hành nhưng thiếu cơ chế triển khai, hoặc văn bản hướng dẫn cụ thể triển khai, không hiệu quả, không thể phù hợp với thực tế. Thêm vào đó, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật quy định về một số vấn đề then chốt đối với quản lý CTR như nhân lực, bộ máy tổ chức, trình độ, các hướng dẫn kỹ thuật... vẫn còn thiếu, dẫn đến các hoạt động khó triển khai, đặc biệt đối với công tác quản lý chất thải nguy hại.
Chị Phương Lê (Ba Đình, Hà Nội):
Phân loại rác y tế chưa tốt
Tôi có nhiều thời gian điều trị tại các BV lớn và thấy việc phân loại rác y tế và rác thải sinh hoạt vẫn chưa được quan tâm. Nhiều người nhà bệnh nhân và chính bệnh nhân không nắm được việc phân loại hai loại rác này. Rất nhiều người sau khi sử dụng các thiết bị y tế như găng tay, bông băng… đều vứt chung vào rác thải sinh hoạt thông thường. Mặc dù cũng có những khi y tá, bác sĩ nói về vấn đề phân loại rác này, nhưng tình trạng chung là bệnh nhân vẫn không chú ý.
PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Trưởng ban Phản biện Xã hội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên&Môi trường Việt Nam:
Nhiều bệnh viện làm cho có
Rác thải và nước thải y tế chứa rất nhiều thành phần gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng vì chi phí đầu tư vào công nghệ xử lý khá tốn kém nên thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện làm cho có, thậm chí chưa đầu tư vào việc xử lý chất thải y tế. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, đầu tiên phải nói đến là do ý thức và sự quan tâm của người dân cũng như các bệnh viện chưa cao. Cùng đó, các chế tài xử lý trong lĩnh vực này chưa nghiêm, nên chưa có “thuốc đặc trị” về vấn đề này. |
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, nguyên nhân của tình trạng này là do phần lớn các BV, đặc biệt là BV tuyến huyện, vùng sâu, vùng xa, miền núi không đủ khả năng tài chính mua sắm các túi, thùng, dụng cụ theo đúng quy định và nhân viên y tế chưa được huấn luyện tốt, nên việc thực hiện phân loại chất thải y tế hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu.
Bên cạnh những “lỗ hổng” trong việc phân loại chất thải, thì công nghệ xử lý CTR y tế cũng còn nhiều lạc hậu. Phương pháp xử lý chủ yếu hiện nay là bằng lò đốt, nhưng số lò đốt hiện đại, đốt tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường còn ít. Số còn lại là các lò đốt công suất nhỏ và trung bình, hoặc lò đốt thủ công để phục vụ xử lý chất thải tại chỗ hoặc cho cụm BV, trong đó có nhiều lò đốt đã cũ, không được sử dụng thường xuyên hoặc vận hành không hết công suất, nhiều lò đốt không có hệ thống xử lý khí thải, nên không thể kiểm soát được các khí độc hại như điôxin, furan, là những khí thải có khả năng gây nguy hại đến sức khỏe cũng như môi trường.
Cùng với đó, hệ thống xử lý nước thải của một số BV, chủ yếu ở tuyến huyện đã xuống cấp, không còn phù hợp, nhiều BV sử dụng các hệ thống xử lý với phương pháp đã cũ và xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn cũng như tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Cụ thể như BV đa khoa Trung tâm An Giang, hệ thống xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2000 đến nay đã bị xuống cấp, BV đa khoa TP Cần Thơ hệ thống xử lý nước thải đã xuống cấp và không đủ năng suất. Thậm chí có những nơi như BV đa khoa huyện Châu Thành, tỉnh An Giang, đến nay vẫn không có hệ thống xử lý nước thải y tế.
“Nước thải từ các BV chưa qua xử lý là nguồn gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt. Đồng thời, nước thải bệnh viện còn mang theo nhiều loại virút nguy hại như tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli cùng nhiều loại vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng, virút đường ruột… có khả năng xâm nhập các loại thủy sản, vật nuôi, rau trồng thủy canh. Bệnh tật có thể sẽ tấn công con người khi ăn phải các thực phẩm mang mầm bệnh có nguồn gốc từ bệnh viện như vậy”, một chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khẳng định.
Đẩy mạnh đầu tư
Theo ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), những bất cập trên là một thực tế mà ngành y đang phải đối mặt. Hiện tại, kinh phí để xử lý chất thải y tế đã được cơ cấu một tỷ lệ nhỏ trong viện phí, tuy nhiên đây chỉ là kinh phí cho xử lý chất thải y tế, trong khi nguồn kinh phí lớn nhất là đầu tư cho hệ thống xử lý chất thải y tế, đặc biệt là đầu tư cho hệ thống xử lý nước thải y tế thì chưa đủ. “Một BV tuyến tỉnh nếu đầu tư công trình xử lý nước thải theo công nghệ trong nước, thì kinh phí cũng phải hàng chục tỷ đồng, nếu đầu tư công nghệ cao của nước ngoài, kinh phí có thể lớn hơn rất nhiều. Trong khi thực tế, kinh phí của các BV tỉnh dành cho việc xử lý chất thải thường chỉ là 1 triệu đồng/năm/giường, với các khoản chi như tiền thuê xử lý rác, thuê công nhân thu dọn, tiền đầu tư lò đốt, bảo hành hệ thống, tiền thuê xét nghiệm định kỳ...”, ông Nga cho biết.
Thiếu vốn đầu tư cho công nghệ là khó khăn lớn, nhưng còn một vấn đề nan giải không kém, đó là kinh phí, nhân lực và chuyên môn để vận hành các thiết bị sau khi được đầu tư. Ông Nguyễn Huy Nga chia sẻ: “Chúng tôi đi kiểm tra các đơn vị, có đơn vị “tận dụng” cán bộ hành chính, nhân viên bảo vệ, trông xe để vận hành thiết bị, hoặc có nơi các bác sĩ phải kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ này vì hiện không có biên chế chuyên trách. Có những BV được một số tổ chức trong và ngoài nước tặng cho các thiết bị, nhưng lại không được hướng dẫn sử dụng và không có người có chuyên môn vận hành, nên thiết bị cũng đắp chiếu”.
Cuối năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến 2020” và đầu năm 2012 là “Quy hoạch tổng thể hệ thống xử lý chất thải rắn y tế nguy hại đến năm 2025”. Theo đó, đến năm 2025, 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế sẽ được thu gom, vận chuyển và xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Để triển khai các nhiệm vụ đó, Bộ Y tế sẽ sửa đổi, bổ sung và ban hành các thông tư hướng dẫn, tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định liên quan đến quản lý môi trường y tế.
Đồng thời, Bộ cũng đã lên kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống chất thải y tế, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 ưu tiên đầu tư tại các cơ sở y tế có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các cơ sở có hệ thống xử lý chất thải y tế nhưng đã xuống cấp hoặc quá tải… Đến giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư cho hệ thống, nhằm đảm bảo 100% chất thải y tế đều được xử lý đạt chuẩn môi trường. Dự kiến nhu cầu kinh phí cho toàn quốc là 6.000 tỷ đồng. Hiện tại Bộ Y tế đang thực hiện một dự án đầu tư xử lý nước thải bệnh viện vay vốn của Ngân hàng Thế giới với tổng kinh phí trên 150 triệu đô la.
“Để đạt được mục tiêu xử lý toàn bộ chất thải y tế trên toàn quốc, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố. Và hơn hết là sự quan tâm và quyết tâm của các cơ sở y tế, thực hiện tốt ngay từ khâu đầu tiên là phân loại và thu gom. Ý thức của con người và những đầu tư về công nghệ sẽ giải quyết được bài toán về xử lý chất thải y tế hiện nay”, ông Nguyễn Huy Nga khẳng định.
Thiên Trường - Thu Trang