Đến với lớp học bơi do Tỉnh Đoàn phối hợp cùng Sở LĐ,TB&XH Phú Yên tổ chức tại xã Hòa Tân Đông vào hạ tuần tháng 7/2016, tôi được biết: lớp được tổ chức khá bài bản, nghiêm túc với đầy đủ trang thiết bị, huấn luyện viên cùng khẩu phần ăn nhẹ (sữa, bánh) bồi dưỡng cho các em, mỗi “dịch vụ” từ A tới Z đều được tài trợ miễn phí, gia đình các em không phải đóng góp đồng nào. Vậy nhưng số “học viên” tham gia lớp vẫn chưa được 60 em; trong khi (tính riêng) trên địa bàn xã đã có tới 2 trường Tiểu học cùng một trường Trung học cơ sở với hàng trăm em nhỏ.
Thầy Nguyễn Văn Đăng, Tổng phụ trách đội trường Tiểu học số 2 Hòa Tân Đông chia sẻ: “Chỉ tiêu đưa ra là 3 trường trên địa bàn phải vận động được ít nhất 80 em đi học bơi, nhưng xoay xở mãi vẫn chưa tới được con số 60, mà đa số lại là học sinh hai trường tiểu học…”. Thầy cười như mếu: “Nói vận động cho oai, chứ thực chất là… năn nỉ. Phụ huynh nghe nói đưa con “xuống nước học bơi” là lập tức giãy lên, gạt phắt luôn dù mình đã hứa là sẽ chịu trách nhiệm dẫn các em đi, đưa các em về an toàn. Có vị mới thuyết phục được xuôi xuôi; nhưng khi đưa tờ giấy yêu cầu phụ huynh kí cam kết đồng ý cho con đi học bơi họ lại… phát hoảng!”.
Thử tiếp xúc với vài vị phụ huynh có con em trong độ tuổi được vận động học bơi trên địa bàn mới biết: chuyện thầy Đăng kể là thật. Chị Nguyễn Thị Lam có con trai tên Nhật đang học lớp 6 trường THCS Hoàng Hoa Thám bảo: “Con tui hôm qua đi học bơi được phát bánh, sữa, mừng lắm; sáng nay đòi đi nữa nhưng tui cấm rồi. Học bơi để biết bơi “chập chạ” rồi ăn quen, lén mình đi tắm sông tắm suối cho chết mất xác à…“.
Vài vị phụ huynh khác cũng “quan điểm” tương tự khi giải thích lí do vì sao không mặn mà với chuyện cho con học bơi. Cũng có người nhìn nhận thoáng hơn cho dù không phải đã hoàn toàn hết lo âu. Chị Nguyễn Thị Nở mẹ em Thành, một học viên đang tham gia khóa học bơi, bảo: “Nghe con xin đi học bơi, rồi thầy giáo đến nhà vận động, nhưng tui chưa dám cho con đi liền. Mãi hôm qua lén tới “kiểm tra hiện trường”, thấy các thầy dạy dỗ bài bản, an toàn nên hôm nay mới dám cho con đi học…“. Rất tiếc, số người có nhận thức tốt như chị Nở không nhiều. Đa phần các bậc phụ huynh vẫn - hoặc cấm đoán, hoặc thờ ơ - không quan tâm động viên nên có một số em “nhát nước” học được vài ba buổi đầu rồi bỏ cuộc. Thầy Võ, một trong các huấn luyện viên bơi của Tỉnh Đoàn, buồn bã: xem ra lớp học bơi mùa hè này không thành công vì quân số không đủ chỉ tiêu…
Dạy bơi (cùng những kĩ năng phòng chống đuối nước) sớm cho trẻ, là việc làm hợp lí và cấp thiết. Tất nhiên, cái được nào cũng đi kèm với cái mất; nhưng không phải vì thế mà các bậc phụ huynh cứ vin vào “cái mất” nhỏ để phủ nhận, tránh né “cái được” lớn. Về phía các tổ chức, hội đoàn, cơ quan chức năng - nên chăng - cần có chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ, sâu rộng hơn trong quần chúng nhân dân về tính cấp thiết của việc trang bị kĩ năng bơi lội và phòng chống đuối nước cho trẻ; kèm theo quảng bá tính bài bản, an toàn cao của những khóa học bơi có tổ chức như trên; để giúp các bậc phụ huynh trong tương lai có thể an tâm, mạnh dạn đưa con tham gia các khóa học bơi mà không phải ngại ngần…