Khơi dậy tình yêu với nghệ thuật truyền thống

Nhằm mục đích bảo tồn nghệ thuật hát chèo truyền thống, năm 2013, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc đã chọn tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương triển khai Dự án “Sân khấu học đường”.


Hiệu quả cao


Dự án được triển khai tại 3 trường THCS, thuộc xã Khánh Trung (huyện Yên Khánh), xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) và xã Gia Thịnh (huyện Gia Viễn). Sau khoảng hai tháng được các nghệ sĩ có nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy, hơn 60 học sinh của 3 trường đã biểu diễn nhuần nhuyễn 5 làn điệu chèo cổ, gồm: "Đò đưa", "Sắp mưa ngâu", "Vu quy", "Dương Kinh" và "Lới Lơ", cùng 4 trích đoạn: "Thầy đồ dạy học", "Thị Mầu lên chùa", "Xã trưởng - Mẹ Đốp", "Việc làng". Nhiều khán giả đến dự buổi trình diễn báo cáo kết quả của dự án, được tổ chức vào tháng 9 vừa qua, đã rất xúc động và bất ngờ trước khả năng diễn xuất và sự phối hợp nhịp nhàng của các "nghệ sĩ nhí" trên sân khấu. Bà Phạm Thị Nhung, ở phường Đông Thành, thành phố Ninh Bình, nhận xét: "Nếu không có sự hứng khởi, say mê học hỏi, thái độ tập luyện nghiêm túc thì các em không thể biểu diễn tốt được những trích đoạn chèo cổ khó như vậy".

Học sinh trường THCS Như Hòa, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) biểu diễn trích đoạn “Thị Mầu lên chùa”.


Vừa kết thúc vở diễn trên sân khấu, em Nguyễn Thị Phương Hoa, học sinh lớp 9A, trường THCS xã Khánh Trung (Yên Khánh), người đảm nhận một vai diễn trong trích đoạn "Thầy đồ dạy học", chia sẻ đầy hứng khởi: "Em rất vui vì đã hoàn thành tốt vai diễn của mình. Khi nhập vai vào nhân vật trong trích đoạn chèo em đã hiểu thêm được những kiến thức bổ ích về bối cảnh xã hội của đất nước trong các giai đoạn lịch sử trước đó".


Là một trong những giáo viên theo sát quá trình tập luyện của các em, cô Lê Thùy Liên, giáo viên bộ môn âm nhạc của trường trung học cơ sở xã Như Hòa (Kim Sơn), cho biết: 20 thành viên trong đội văn nghệ của trường chưa từng tiếp xúc với nghệ thuật chèo, nhưng khi được học các em đã tiếp thu nhanh và rất chăm chỉ tập luyện. Nhiều em đã dành thời gian tự tập ở nhà, chủ động mua băng, đĩa hát chèo về tự học.


Hướng giáo dục toàn diện


Đánh giá về hiệu quả của dự án, thầy Bùi Ngọc Đức, Hiệu trưởng trường THCS xã Khánh Trung (Yên Khánh) cho biết: Dự án đã góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện của ngành giáo dục. Đây là một sân chơi bổ ích giúp các em tự tin thể hiện năng khiếu, giao lưu học hỏi và dần hoàn thiện khả năng giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống.


Về phía mình, cô Hà Thị Lợi, Hiệu trưởng trường THCS xã Như Hòa (Kim Sơn) chia sẻ: Hoàn toàn có thể lồng ghép nội dung của dự án vào các môn học nhạc, họa và các buổi sinh hoạt ngoại khóa mà không ảnh hưởng đến chương trình học. Các giáo viên phụ trách đội, giáo viên nhạc có thể sưu tầm thêm nhiều làn điệu chèo mới dạy cho các em. Bên cạnh đó, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa như đi biểu diễn tại các sự kiện do ngành giáo dục và địa phương tổ chức; giao lưu với các câu lạc bộ, đội văn nghệ của thôn, xóm… để các em học hỏi, tiếp thu thêm kinh nghiệm, giúp ích cho quá trình học tập và phát triển toàn diện của học sinh.


Theo ông Đinh Ngọc Khánh, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình): Dù được đánh giá là một trong những"cái nôi" của nghệ thuật chèo, nhưng hiện nay lực lượng nghệ sĩ, những người biết hát, hát thành thạo các làn điệu chèo ở các địa phương trong tỉnh ngày càng ít và tuổi đã cao. Do đó, việc triển khai, nhân rộng và từng bước đưa nghệ thuật chèo vào trường học có thể xem là “chìa khóa” để tạo nguồn kế cận, góp phần bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống ở địa phương.


Bài và ảnh: Vũ Văn Đạt

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN