Lớp dạy viết Kinh Phật trên lá Buông tại chùa Svay So (Tri Tôn, An Giang). |
Theo Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Kinh lá Buông là loại thư tịch cổ quý hiếm khắc chữ trên lá Buông của người dân tộc Khmer (gọi là Satra), được viết bằng tiếng Khmer cổ hay tiếng Pali theo trường phái Thomanadut và Mahainikai, xuất hiện từ thế kỷ 19; là nét đặc trưng của tỉnh An Giang.
Kinh lá Buông có 4 loại gồm: Kinh Phật; Truyện cổ dân gian; Hội hè, trò chơi dân gian; Bài giáo huấn dân gian. Kinh Phật chạm khắc trên lá Buông là tài liệu quí, chứa đựng nhiều triết lý sống, nhân sinh quan theo tinh thần Phật giáo, Kinh thuyết pháp, thơ ca, sử thi, giáo lý của đức Phật răn dạy con người làm điều lành, lánh điều dữ, kinh đức Phật Thích Ca, Tam Tạng Kinh... chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật Đản, lễ Kathina (lễ dâng bông, dâng y cà sa), lễ Thvai PresKhe (Cúng trăng), Lễ Dolta (Cúng ông bà)...
Nghệ thuật chạm khắc trên lá Buông rất đặc biệt, trong đó nguyên liệu lá được chọn ngay từ khi lá Buông còn là búp trên cây và được ghép vào khung cây để lá phát triển theo ý muốn, tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời từ 3 - 5 tháng, sau đó mới cắt xuống, mang phơi khô và sử dụng.
Muốn viết Kinh trên lá Buông phải sử dụng mũi bút bằng sắt. Sau khi viết xong, dùng vải thấm than trộn với dầu thông và nhúng qua dầu lửa để quét lên chữ khắc.
Nét độc đáo của Kinh là nhờ vào độ dai của lá, kết hợp với sự khéo léo, tỷ mỉ, công phu của người viết, nên thể hiện được trên cả 2 mặt của lá Buông. Mỗi bộ Kinh dày từ 5 - 8cm, nặng 300 - 600 gram.
Mỗi bộ Kinh có từ 4 -10 cuốn (quyển); mỗi cuốn có 20 - 60 lá kinh; mỗi lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ. Kinh lá Buông chứa đựng giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật và có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh tín ngưỡng tôn giáo của đồng bào dân tộc Khmer.
Người Khmer tin tưởng nội dung thuyết pháp của Kinh lá Buông hơn so với Kinh sách thông thường, đây là di sản văn hóa đặc sắc độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer và phật tử Phật giáo Nam Tông.
Ở An Giang, Kinh lá Buông hiện còn lưu giữ tại 30/65 chùa Khmer của hai huyện vùng Bảy Núi (Tri Tôn và Tịnh Biên), với trên 100 bộ Kinh Phật.
Theo Hòa Thượng Chau Ty - Trụ trì chùa Svay So, xã Núi Tô (huyện Tri Tôn), không biết Kinh lá Buông du nhập vào Việt Nam từ khi nào nhưng sau khi đất nước thống nhất, hầu hết các chùa Khmer ở vùng Bảy Núi đều có Kinh lá. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, Kinh lá Buông bị giặc đốt phá.
Từ nhiều năm qua, Kinh lá Buông không còn được viết, bởi không còn nguồn lá Buông (phải mua ở Campuchia). Hiện nay, chỉ còn duy nhất Hòa thượng Chau Ty biết viết Kinh chữ Khmer cổ, chữ Pali trên lá Buông và đang truyền lại cho các sư sãi Khmer trong vùng. Đồng thời, do khâu bảo quản gặp khó khăn, không đảm bảo trước tác động của môi trường nên Kinh lá bị hư hỏng theo thời gian, có nguy cơ bị mai một.
Ông Nguyễn Văn Lên cho biết, sau khi Kinh lá Buông được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang thành lập Ban quản lý cấp tỉnh để giữ gìn bảo quản lâu dài; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, giữ gìn và phát huy di sản cho người dân. Sở chủ động phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bảo vệ bảo tồn lâu dài.
Trước đây, An Giang đã tổ chức lớp dạy chữ, viết trên Kinh lá Buông cho 16 sư sãi là trụ trì các chùa ở hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên. Nay tỉnh tiếp tục đào tạo viết chữ Pali trên Kinh lá Buông, trước mắt trong năm 2017 mở 2 lớp cho gần 20 sư sãi, nhằm bảo tồn, phát huy, nâng cao giá trị di sản, phục vụ bạn bè các dân tộc trong nước và quốc tế chiêm ngưỡng.