Cần phản ứng nhanh hơn trong việc cứu đói, khắc phục thiên tai xảy ra ở vùng đồng bào DTTS”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Giàng Seo Phử nhấn mạnh tại một Hội nghị mới đây của UBDT.
Đoàn công tác của UBDT đi thăm đồng bào huyện Pác Nậm (Bắc Kạn) sau trận lũ ống làm thiệt hại người và của (ảnh tư liệu). |
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, Giàng Seo Phử cho biết: Đặc điểm nổi bật chi phối toàn bộ công tác dân tộc từ đầu năm đến nay là biến đổi khí hậu làm cho vùng đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn. Trong 6 tháng đầu năm, tình trạng nắng nóng cục bộ, khô hạn diễn ra trên diện rộng và kéo dài ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đạt mức kỷ lục trong 40 năm qua, xâm nhập mặn sớm và sâu ở đồng bằng sông Cửu Long; dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đã tác động mạnh đến tình hình sản xuất và đời sống ở vùng dân tộc và miền núi.
Triển khai Chương trình bố trí, sắp xếp dân cư vùng chịu nhiều thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn... theo Quyết định số 1776/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay sau gần 3 năm, toàn tỉnh Thanh Hóa mới có 2.042/4.835 hộ dân được di chuyển khỏi vùng nguy hiểm, ổn định cuộc sống. Đáng quan tâm hơn là hầu hết người dân thuộc vùng dự án đều nghèo, nhà cửa hư hỏng không được sửa chữa, không dám đầu tư sản xuất, chăn nuôi nên cuộc sống càng thêm khó khăn... Huyện Mường Lát của tỉnh này là huyện miền núi khó khăn nhất, xa xôi nhất hiện có 254 hộ dân đang lo có thể bị nước lũ cuốn trôi nhà cửa, trâu bò, hoa mầu và cả tính mạng bất cứ lúc nào khi thiên nhiên “nổi giận”. Những hộ này còn cư ngụ tại địa bàn xa xôi, hẻo lánh, giao thông cách trở, rất khó khăn khi cần ứng cứu, trợ giúp.
Biến đổi khí hậu gây ra nhiều lũ ống, lũ quét, nhất là vùng miền núi. |
Còn ở tỉnh Yên Bái, mấy năm gần đây, mưa lũ, gió lốc đã làm mất trắng nhiều diện tích lúa, hoa màu, làm hư hỏng hàng chục nhà dân, sạt lở hàng nghìn mét khối đất đá gây ách tắc giao thông, phá hoại công trình thủy lợi... Riêng trong hai ngày 15 và 16/5 vừa qua, ở tỉnh đã xảy ra lốc xoáy, lũ lụt cục bộ khiến 174 ngôi nhà, công trình công cộng bị đổ, tốc mái và 1 người bị thương.
Trước thực tế trên, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng khẳng định: Tình hình chống hạn và cứu đói cho đồng bào vẫn còn chậm, lúng túng. Hiện nay, các tỉnh Nam Trung Bộ đã có mưa, nhưng hậu quả của đợt hạn hán vừa rồi vẫn rất nặng nề. “Hiện nay, có nhiều biện pháp để có nắm tình hình ở các vùng, miền khác nhau bằng công nghệ thông tin. Với chức năng của mình, UBDT phải nắm bắt ngay tình hình để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giúp cứu đói, có chính sách hỗ trợ người dân gượng dậy sau thiên tai”, Thứ trưởng Phan Văn Hùng chỉ đạo.
“UBDT đã báo cáo tình hình với Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành; thành lập nhiều đoàn cứu trợ, động viên một phần nào tới người dân, nhưng vẫn chưa có phản ứng nhanh nhạy nhất. Chẳng hạn như khắc phục hạn hán, cứu trợ như thế nào; bò, dê của người dân bị chết, phải giúp người dân ra sao. Nếu được chuẩn bị sẵn, sẽ có báo cáo kịp thời Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ người dân, hạn chế bớt được thiệt hại. Theo quy luật, sau hạn hán tới lũ quét, lũ ống... Rút kinh nghiệm 6 tháng đầu năm, các vụ chuyên môn phải chủ động, bám sát tình hình, đồng thời cần chuẩn bị sẵn nguồn lực, sẵn sàng ứng cứu, đối phó, nhất là với 3 vụ địa phương đóng tại các địa bàn chủ động bám sát tình hình thời tiết, đề xuất, xây dựng các phương án ứng phó, khắc phục và xử lý thiên tai, đảm bảo đời sống cho đồng bào vùng DTTS”, Bộ trưởng Giàng Seo Phử nhấn mạnh.