Lai Châu giảm nghèo nhanh ở các huyện khó khăn

Theo ông Vương Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo giai đoạn 2008 - 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu đều giảm vượt chỉ tiêu đề ra hàng năm. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo tại 6 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh Lai Châu giảm 5,05%; vượt so với mục tiêu giảm nghèo bình quân 4%/năm của Chương trình 30a.  

Chăm sóc sức khỏe cho trẻ em ở huyện Phong Thổ.


Các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của chương trình đã phát huy hiệu quả, cải thiện đáng kể diện mạo ở các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, đời sống dân sinh như công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường lớp học, nhà bán trú cho học sinh. Đời sống của người dân ở các xã nghèo từng bước được nâng lên.

Các chính sách giảm nghèo được thực hiện đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lai Châu theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ và giảm tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp. Tỉnh từng bước hình thành nền sản xuất hàng hóa, tạo ra việc làm mới cho một bộ phận lao động, đặc biệt là lao động nông thôn và dân tộc thiếu số...  

Tuy vậy, công tác giảm nghèo ở tỉnh Lai Châu chưa bền vững. Số hộ mới thoát nghèo khi gặp thiên tai, hỏa hoạn có nguy cơ tái nghèo trở lại; số hộ cận nghèo còn cao. Công tác phối hợp trong chỉ đạo điều hành chương trình này chưa chặt chẽ. Các chính sách giảm nghèo được ban hành chưa có sự gắn kết nên chưa tập trung được nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo. Một số hộ nghèo chưa nỗ lực vươn lên thoát nghèo, vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, vào cộng đồng.  

Đồng bào đã có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.


Tỉnh Lai Châu kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ về nhà ở cho các hộ nghèo có nhu cầu, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn, trong đó tăng dần các chính sách hỗ trợ gián tiếp về sinh kế cho người nghèo, giảm dần hỗ trợ trực tiếp về tiền, gạo cho hộ nghèo, chỉ hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo thuộc diện chính sách xã hội như gia đình có người tàn tật, người già cô đơn không nơi nương tựa...

Bên cạnh đó, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí ổn định từ 3 - 5 năm để các địa phương lựa chọn, xây dựng kế hoạch thực hiện trung hạn và dài hạn; chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát lại các chính sách giảm nghèo hiện hành; đồng thời giao cho một cơ quan đầu mối chỉ đạo, điều hành thực hiện, tránh chồng chéo như hiện nay.


Bài và ảnh: Nguyễn Công Hải
165 triệu USD cho các dự án giảm nghèo
165 triệu USD cho các dự án giảm nghèo

Công tác “xóa đói - giảm nghèo” ở vùng Tây Nguyên được coi là quyết sách quan trọng hàng đầu, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh trong khu vực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN