Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ (Lai Châu) Nguyễn Văn Tuân cho biết, huyện Phong Thổ hiện có trên 44 nghìn ha rừng. Trong đó, đợt mưa đá và dông lốc vừa qua có gần 500 ha rừng bị ảnh hưởng tập trung tại 3 xã Mù Sang, Dào San và Bản Lang. Chính vì vậy, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên rừng, các cấp, ngành, chủ rừng và nhân dân các bản có rừng tại huyện đang tăng cường nhiều biện pháp quản lý, bảo vệ và phòng chống cháy rừng, đảm bảo an toàn cho diện tích rừng hiện còn trên địa bàn.
Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, ngay từ đầu mùa khô, Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ đã tham mưa cho UBND huyện, ngành, đoàn thể vận động người dân chấp hành tốt Luật Lâm nghiệp và ký cam kết bảo vệ rừng. Hạt Kiểm Lâm huyện cũng đã phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức họp dân để tuyên truyền Luật bảo vệ và phát triển rừng, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Nguyễn Văn Tuân khẳng định: Hạt Kiểm lâm huyện Phong Thổ đã thực hiện việc tuần tra kiểm soát ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên rừng, phá rừng, lấn chiếm rừng. Đơn vị chỉ đạo các chủ rừng thực hiện nghiêm túc công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Ở mỗi khu rừng, lực lượng chức năng bố trí các trạm canh gác cửa rừng, tổ chức làm mới, phát dọn đường băng cản lửa, xây dựng chòi canh ở các khu rừng trọng điểm, thông báo kịp thời về Ban chỉ huy bảo vệ rừng huyện khi có cháy rừng, nhằm huy động lực lượng và có biện pháp phối hợp chữa cháy kịp thời.
Tại xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) - một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất sau đợt mưa đá vừa qua. Theo thống kê, xã Mù Sang có trên 107 ha rừng bị ảnh hưởng do mưa đá, dông lốc. Những lá cây sau khi rụng xuống gặp thời tiết nắng nóng rất dễ bắt lửa. Chính vì vậy, cùng với việc khắc phục thiệt hại về nhà cửa, người dân nơi đây đang tăng cường việc phát dọn thực bì, tạo đường băng cản lửa, thu gom lá khô tại diện tích rừng bị ảnh hưởng của trận mưa đá.
Chủ tịch UBND xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho hay, mấy trận mưa đá và dông lốc đã gây thiệt hại nặng nề về tài sản, hoa màu, diện tích rừng trên địa bàn. Trong mùa khô, nắng nóng, UBND xã đã chỉ đạo và vận động người dân tăng cường công tác bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Mỗi chủ rừng phải ký cam kết với chính quyền địa phương bảo vệ rừng và không đốt nương làm rẫy để xảy ra cháy rừng.
Anh Ma A Sèo, Trưởng bản Sin Chải, ở xã Mù Sang, huyện Phong Thổ (Lai Châu) chia sẻ: Những năm qua, người dân ở đây luôn có trách nhiệm cao trong bảo vệ rừng được giao khoán chăm sóc, bảo vệ. Bước vào mùa khô, cán bộ bản đã tổ chức họp dân, tuyên truyền bà con có ý thức bảo vệ rừng, không đốt nương và nghiêm cấm các hoạt động chặt phá rừng. Bản Sin Chải đã huy động các hộ dân dọn dẹp lá và cành củi khô dưới tán cây rừng, phát thực bì để phòng chống cháy rừng.
Trước những diễn biến khó lường của thời tiết, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm kéo dài và hanh khô, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng.