Làm báo ở cuối trời Tây Bắc

Chúng tôi, những người làm báo ở Lai Châu luôn tự hào mình là "chiến sĩ" xông pha, đưa tới bạn đọc cả nước thông tin về vùng đất cuối trời Tây Bắc. Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, địa hình đồi núi và sông suối chia cắt phức tạp, người dân ở thưa thớt đi lại rất vất vả... Ấy vậy mà lớp lớp những người làm báo ở đây vẫn tiếp bước nhau vượt qua mọi khó khăn, yêu nghề, yêu đất, yêu người bám lấy lưng trời để say nghiệp viết...


Những thử thách...


Câu cửa miệng "Ắt đi ắt tới, làm rồi sẽ biết" chính là châm ngôn của đa số những người làm báo ở Lai Châu, vì phần lớn trong nghề ít người được học từ trường báo chí. Chúng tôi bước vào nghề viết với con số "0" tròn trĩnh, bằng ý thức tự học, học những người đi trước, học đồng nghiệp, học từ sách báo và học qua từng bài viết cụ thể để trưởng thành, đáp ứng với công việc... Nhà báo nữ Đỗ Thị Tấc đã có thâm niên gần nửa đời người trong nghề, bước chân cô đã có mặt hầu hết các xã biên giới, đồn biên phòng. Cô xem chúng tôi như người con, người đồng nghiệp, mỗi lần có điều kiện ngồi lại hàn huyên tâm sự, cô đã truyền cho chúng tôi ngọn lửa say nghề thực thụ. "Các cậu cần có cái tâm để say với nghề mà mình đã chọn, đọc nhiều, đi nhiều và viết nhiều, tác phẩm này không đạt thì viết tác phẩm sau sẽ được hơn, cơ bản là mình có ý thức viết và rút kinh nghiệm từ bản thân mình, từ bạn viết khác..." - Nhà báo Đỗ Thị Tấc tâm sự.


Nhà báo Đỗ Thị Tấc dù tuổi đã cao, vẫn rong ruổi với nghề viết.


Nghĩ lại bản thân mình bước vào nghề làm báo được 5 năm cũng có phần duyên nợ. Tốt nghiệp đại học, tôi cầm tấm bằng cử nhân lịch sử rong ruổi liên hệ công tác, nhưng thật khó khăn và chật vật. Qua lời giới thiệu của người bạn, tôi đến với mảnh đất Lai Châu, cũng là duyên nợ đến với nghề làm báo. Nếu ai không học chuyên ngành báo chí mà dấn thân vào thì sẽ hiểu được sự vất vả bước đầu của tôi và các bạn khác. Chuyến công tác đầu tiên, tôi may mắn được đi cùng nhà báo Xuân Trường (Phóng viên Thông Tấn xã Việt Nam, hiện anh chuyển sang báo Nông thôn ngày nay) về xã Tà Mít (huyện Than Uyên). Anh Xuân Trường nói: Cậu muốn viết được, viết hay thì phải “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng làm) với người dân và các em học sinh. Có như vậy, cậu mới cảm nhận được và viết một cách sâu sắc... Tôi đã làm theo và lấy đó làm bài học cho những chuyến đi công tác khác.


Đa phần đội ngũ những người làm báo ở Lai Châu là từ miền xuôi lên công tác, mà địa bàn tỉnh lại là mảnh đất của 20 dân tộc anh em sinh sống, trong đó có 19 dân tộc thiểu số. Sự am hiểu văn hóa về các dân tộc hạn chế, cộng thêm việc không hiểu về ngôn ngữ của đồng bào nên việc tiếp cận thông tin của chúng tôi rất khó khăn. Mỗi phóng viên và cán bộ biên tập đều ý thức học hỏi, tìm cách tiếp cận sao cho hiệu quả để có một bài viết xác thực, mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh đa chiều tới độc giả... Dù bước đầu gặp phải những khó khăn, nhưng bằng tấm lòng yêu nghề, dám nghĩ dám làm, người làm báo Lai Châu đã dần khẳng định tài năng, tâm huyết và kiên trì vỡ hoang trên một vùng đất mới.


Vượt qua những gian nan...


Quả thật, tôi rất khâm phục những người làm nghề báo đi trước. Lai Châu là một địa bàn rộng, giao thông đi lại rất khó khăn, hiểm trở. Có thế nói vực sâu nhiều hơn đường; sông suối hung tợn và dữ dằn. Chỉ nhỡ bước là sa xuống vực, thần chết luôn chờ để nuốt chửng. Phóng viên thì thường xuyên phải đi nhiều và đi bằng xe máy, phải xông pha vào những nơi lũ lụt, lốc xoáy, sạt lở đất… rất nguy hiểm để phản ánh thông tin kịp thời. Ai yêu nghề, quý nghề, tôn trọng nghề thì mới theo đuổi được nghề làm báo.

Phóng viên Anh Tuấn - Báo Lai Châu đi cáp treo sang bản U Ra (xã Huổi Luông) để tác nghiệp.


Hoài Thu - phóng viên trẻ của Đài Truyền hình Lai Châu là một trong những người năng nổ, dám làm, dám xông pha. Chúng tôi sống như anh em, nhiều lần gọi điện thấy máy tắt ngỏm, ắt hẳn là cô đang chui vào những xã khó khăn của huyện Mường Tè nên mất sóng điện thoại. Bảy năm công tác, phận nữ nhi, con còn nhỏ nhưng có chuyến công tác Hoài Thu nằm ở địa bàn huyện Mường Tè đến nửa tháng mới về.

Các phóng viên tác nghiệp tại xã Pa Vệ Sử (huyện Mường Tè).


Kể sao hết được sự hy sinh của những người làm báo Lai Châu. Vụ tai nạn xe 14 chỗ của Đoàn kinh tế quốc phòng 356 mất lái đâm xuống vực sâu hơn 100 m thuộc địa phận xã Ma Ly Chải (huyện Phong Thổ), nghe không ai không khỏi giật mình. Trong xe, ngoài 7 chiến sỹ còn có 3 đồng chí phóng viên đi cùng; Bùi Lâm - Báo Nhân dân thường trú tại Lai Châu và một phóng viên nữ ở Hà Nội lên công tác, Nguyễn Công Hải - Trưởng phân xã tại Lai Châu. Nhưng may mắn không xảy ra chết người, chỉ có Bùi Lâm là bị nặng nhất, gãy quai xanh. Sau năm tháng về Hà Nội chữa trị, anh gặp tôi và nở nụ cười tươi tâm sự: Đời anh vẫn may mắn, đỏ phúc nhà; mới lên thường trú ở Lai Châu chưa đầy một năm mà đã có "quả" hú hồn; đường xá ở Lai Châu sợ thật, nguy hiểm quá... Tôi nói anh đã chùn bước, có ý định xin chuyển về chưa? Vẫn cái nụ cười và chất giọng khảng khái "bỏ là bỏ thế nào, bỏ thì hóa ra anh không phải là Lâm râu quai nón nữa à!". Buổi tiệc chúc mừng Công Hải và Bùi Lâm từ cõi chết trở về do anh em phóng viên chúng tôi tổ chức râm ran, đầm ấm, đầy ắp tiếng cười nói vui vẻ...


Những người làm báo Lai Châu thực sự bản lĩnh để cống hiến, hy sinh, sống với nhau bằng cả tấm lòng như người anh, người chị, người em trong đại gia đình. Mỗi cá nhân, cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đều ý thức được trách nhiệm để cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, có những bài viết hay sinh động mang hơi thở cuộc sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó. Niềm tự hào của đội ngũ người làm báo Lai Châu là sống hết mình với nghề, được trải nghiệm lòng mình qua từng trang viết chất chứa niềm nhiệt huyết với mảnh đất Lai Châu...


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN