Hiện nay, tỷ lệ NCBSM ở thành thị chỉ đạt 30%, thấp hơn nhiều so với khu vực nông thôn và miền núi (70%). Trẻ sinh ở các trạm y tế xã có tỉ lệ bú sữa mẹ sớm cao hơn (70%) so với trẻ sinh ở bệnh viện và cơ sở y tế tư nhân (40%). Đặc biệt, cứ 3 bà mẹ thì có 1 người vắt bỏ sữa non sau khi sinh (27%)… (Theo nghiên cứu của Tổ chức Alive &Thrive) |
Gọi là bú sữa mẹ, nhưng thực ra miệng của bé Giang chỉ nằm hờ hờ phía ngoài đầu vú mẹ, chờ mẹ bóp ra chút sữa nào là bé vội vàng mút mát chút đó. Thấy con thèm sữa mẹ, chị Tâm lại càng gắng sức bóp sữa, trông rất tội nghiệp.
Thấy vậy, T., một phóng viên của một tờ báo có tiếng, đi cùng chúng tôi, “bật mí”: “Muốn con được bú sữa mẹ đúng cách, chỉ có cách nhờ BS tư vấn thôi. Cách đây 6 tháng, em cũng sinh con ở BV Phụ sản TƯ. Bình thường, em rất tự tin về kiến thức nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM). Thế nhưng, lần đầu tiên bế con trên tay thì chẳng biết làm thế nào cho con bú. May mà bà ngoại bé nghĩ ra cách nhờ y tá. Chị ấy chỉ hướng dẫn một lúc là em có sữa để cho cháu bú thoải mái.
Vậy nên, chúng tôi bèn nhờ BS CK II Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa Sản 2, tới buồng bệnh giúp đỡ mẹ con chị Tâm.
“Trước tiên, mẹ cởi cúc áo ra, cố gắng da mẹ kề da bé càng nhiều càng tốt, giảm sự ngăn cách. Phải bế bé sao cho đầu vai mông trẻ phải thẳng, cho trẻ ngậm hết quầng thâm của vú mẹ, bé sẽ mút chặt và sữa sẽ về nhanh hơn…”, BS Lan hướng dẫn cho chị Tâm.
Thật lạ, khi BS Lan vừa ngừng tay hướng dẫn thì cũng là lúc bé Giang bắt đầu bú sữa mẹ chùn chụt. Trên khuôn mặt chị Tâm cũng lộ rõ niềm hạnh phúc khi lần đầu tiên thực sự có được cảm giác cho con bú. “Cho cháu bú thích lắm. Em cảm nhận rõ là dòng sữa dịch chuyển trong cơ thể và đang về nhiều hơn”, hai má chị Tâm thoáng ửng hồng vì sung sướng.
Lúc này, nằm gần giường bé Giang, cậu bé Đức Minh đang lim dim ngủ sau khi đã được bú sữa mẹ. “Nhưng sao em vẫn cho con uống thêm sữa ngoài?”, tôi hỏi khi thấy trên tủ cá nhân vẫn có hộp sữa công thức cho trẻ sơ sinh. Sản phụ Trần Thị Hoài, Đông Anh, Hà Nội, mẹ bé Đức Minh cho hay: “Em sợ mấy ngày đầu sau sinh, chưa có đủ sữa nên phải cho cháu bú thêm sữa ngoài”.
Theo BS Lan, đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm, những ngày đầu sau sinh, tuy lượng sữa không nhiều nhưng chất lượng sữa rất tốt, đặc biệt là chứa nhiều kháng thể, em bé chỉ cần bú ít nhưng cũng đã đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. “Nhưng nhiều bà mẹ không hiểu thế nào là sữa non, thời gian đầu thấy sữa trong vắt họ tưởng là sữa loãng, hoặc thấy sữa vàng khè họ lại tưởng là sữa đọng nên đã bỏ đi. Khi thấy ít sữa, nhiều bà mẹ không yên tâm, cho con ăn thêm sữa ngoài. Vì vậy, chúng tôi phải giải thích rất nhiều, NCBSM hoàn toàn trong 6 tháng đầu có nghĩa không cho trẻ sơ sinh ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì khác ngoài sữa mẹ. Các bà mẹ cần cho trẻ bú sớm để tận dụng được nguồn sữa non quý giá, cho trẻ bú nhiều thì sữa mới “về” nhiều…”, BS Trần Thị Tuyết Lan khẳng định.
Bên cạnh đó, cũng còn không ít quan niệm sai lầm khác như: Cho trẻ uống nước sau khi bú mới đảm bảo vệ sinh. Một số bà mẹ tại khu vực thành thị còn cố tình ít cho con bú để giữ dáng vóc sau sinh. Các bà mẹ là cán bộ công nhân viên chức thì tập cho trẻ bú bình để còn đi làm sau 4 tháng nghỉ thai sản. Đặc biệt, rất nhiều người quan niệm cho rằng cho con ăn sữa ngoài và ăn dặm sớm thì trẻ mới cứng cáp…
Tăng cường truyền thông “Rào cản” lớn nhất trong việc thúc đẩy NCBSM tại Việt Nam chính là do các bà mẹ thiếu kiến thức, kỹ năng thực hành NCBSM… Do đó, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kết hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông nhằm nâng cao kiến thức và hành vi NCBSM trong cộng đồng”, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế, khẳng định.
Theo BS Trần Thị Tuyết Lan, Trưởng khoa Sản 2, BV Phụ sản TƯ, thì việc truyền thông nên được tiến hành sâu rộng trong cộng đồng, hướng tới cả các thành viên khác trong gia đình. Bởi nhiều khi việc quyết định NCBSM không chỉ phụ thuộc vào bố mẹ em bé mà phụ thuộc vào những người khác trong gia đình. “Có lần tôi hỏi một sản phụ vì sao không cho con bú, cô đáp: “Sữa em chưa về”. Bà mẹ chồng thấy cháu nội khóc thì bắt con dâu cho cháu bú bình luôn. Như vậy, có thể sau này đứa trẻ sẽ không muốn bú mẹ nữa vì sữa công thức ngọt, tia đầy hơn, mới ngậm vào bình đã có sữa chảy, trong khi bú mẹ lõm má mà chưa có…”, BS Lan dẫn chứng.
Ngoài ra, cũng cần xây dựng và mở rộng các mô hình NCBSM tại cộng đồng với sự tham gia của các chuyên gia y tế. Như vậy, các bà mẹ sẽ được cung cấp những kiến thức, kỹ năng NCBSM, dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những khó khăn để chủ động NCBSM ít nhất là trong 6 tháng đầu sau sinh.
Theo ông Vinh, Bộ Y tế cũng rất muốn triển khai rộng các mô hình NCBSM tại cộng đồng, nhưng quả thực là “lực bất tòng tâm”, hoạt động NCBSM chưa phải là chương trình độc lập nên rất thiếu kinh phí. Trước mắt, vào đầu tháng 9/2011, Bộ Y tế sẽ thí điểm xây dựng góc tư vấn NCBSM tại BV Phụ sản TƯ, BV Hà Nội và tại một BV ở tỉnh Cao Bằng. Khi tới đó, bà mẹ sẽ được cung cấp các thông tin liên quan đến NCBSM miễn phí: Hướng dẫn bà mẹ cho con bú đúng cách, hướng dẫn cách bảo quản sữa, cách làm thế nào để duy trì nguồn sữa mẹ đảm bảo về chất và đủ về lượng để chủ động NCBSM.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia y tế, để thúc đẩy hoạt động NCBSM thì làm tốt công tác truyền thông tại cộng đồng thôi chưa đủ, Việt Nam cần “siết chặt” việc quảng cáo và tiếp thị sữa công thức, nâng chế độ nghỉ thai sản từ 4 tháng hiện nay lên thành 6 tháng, mở rộng và giám sát các Bệnh viện Bạn hữu trẻ em (những nơi thực hiện tốt 10 bước NCBSM theo khuyến cáo của WHO/UNICEF)...
Phương Liên
Bài 2: Cần phát huy vai trò của ngành y tế