Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư mở rộng diện tích, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình ông Chang Sray Đơ (ảnh), ở ấp Sóc Tranh 3, xã Quang Minh, huyện Chơn Thành đã trở thành hộ khá giả của xã.
Trước đây, gia đình ông Chang Sray Đơ chỉ trồng các cây lương thực ngắn ngày như: Ngô, sắn, lúa, năng suất không ổn định do phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Hơn chục năm trở lại đây, gia đình ông đã chuyển đổi một số diện tích sang trồng cây công nghiệp như: Cao su, điều. Ông đã động viên gia đình khắc phục khó khăn, tích cực lao động tăng gia sản xuất, tìm hiểu các kiến thức khoa học kỹ thuật trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, áp dụng vào thực tế. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông đã ngày càng phát triển. Hiện nay, gia đình ông Đơ đã có 5 ha cao su, 3 ha ruộng. Vườn cây cao su và điều luôn phát triển tốt, sau khi trừ chi phí đầu tư, cho thu nhập hơn 150 triệu đồng/năm.
Tương tự, gia đình ông Điểu Teng, ở ấp Cây Gõ, xã Quang Minh, nhờ cần cù, chịu khó, đã khai phá được 15 ha đất, trồng 6 ha cao su và 7 ha điều đang cho thu hoạch. Bình quân mỗi năm gia đình ông Teng có thu nhập hơn 300 triệu đồng. Theo ông Điểu Teng chia sẻ, để ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, điều đầu tiên là phải biết giữ đất của mình đã khai phá được, nghèo khổ mấy cũng không được bán đi để ăn. Tiếp đó, mạnh dạn đầu tư, áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thì mới có thu nhập ổn định được.
Không chỉ là làm kinh tế giỏi, ông Chang Sray Đơ và Điểu Teng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm giàu, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vận động nhân dân kế hoạch hóa gia đình, bài trừ các hủ tục, luôn được bà con tin yêu, kính trọng.
Bài và ảnh: Đậu Tất Thành