Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 26/9 (tức ngày 22/8 năm Quý Tỵ), tại khu di tích lịch sử Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ đón Bằng công nhận di tích lịch sử Lam Kinh là di tích quốc gia đặc biệt.


 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trao Bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt đối với Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh cho lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Minh Đức – TTXVN

 

Dự lễ có nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương.


Các đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội gửi lẵng hoa chúc mừng.


Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Việc Lam Kinh được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay trước những cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập chủ quyền và xây dựng đất nước; thể hiện sinh động các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc nói chung, di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh nói riêng. Di tích Lam Kinh là niềm vinh dự, tự hào của đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa và cả nước nói chung, đồng thời đặt ra trọng trách to lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di tích lịch sử quốc gia.


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý, cùng với việc tiếp tục kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Khu di tích lịch sử Lam Kinh thờ anh hùng dân tộc Lê Lợi, đại công thần Lê Lai và các vị vua Lê đã có công giành lại độc lập, yên bình cho đất nước. Theo nhiều tài liệu sử sách còn ghi và những câu chuyện còn lưu truyền trong dân gian, vương triều Lê có 2 thái miếu ở Thăng Long và ở Lam Sơn (tức Lam Kinh), thái miếu ở Lam Kinh là thái miếu gốc, nên xưa kia các vua Lê trị vì tại Thăng Long đều phải hành hương về Lam Kinh để tế lễ và bái yết tổ tiên hàng năm. Lễ hội đã được UBND tỉnh Thanh Hóa phục dựng.


Đức Phương - Duy Hưng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN