Làng Mơ H’Ra gìn giữ và phát triển văn hóa cồng chiêng

Bên cạnh sự phát triển về kinh tế - xã hội, nhiều giá trị văn hóa, lễ hội ở các buôn làng Tây Nguyên đã và đang dần bị mai một. Thế nhưng, ở làng Mơ H’Ra, xã Tơ Tung, huyện K’Bang (Gia Lai), dường như dòng chảy văn hóa truyền thống vẫn đầy mãnh liệt trong đời sống thường ngày nơi đây. Các nghệ nhân vẫn miệt mài ngày đêm truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng cho lớp trẻ. Lớp trẻ Mơ H’Ra cũng chăm chỉ học tập để giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống.


 

Luyện tập cồng chiêng làng Mơ H’Ra trong buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Làng Mơ H’Ra nằm yên bình dưới ngọn núi vang danh Anh hùng Núp. Chúng tôi may mắn có mặt ở làng đúng thời điểm diễn ra buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng để dạy đánh chiêng cho lớp trẻ trong làng, một khung cảnh nhộn nhịp đặc trưng của các buôn làng Tây Nguyên mà rất lâu chúng tôi mới có dịp gặp. Trong ngôi nhà rông truyền thống, các nghệ nhân cồng chiêng, nghệ nhân múa xoang trong trang phục truyền thống đang ngồi nói chuyện rôm rả như trút hết những tất bật của một ngày làm việc mệt nhọc. Hòa quyện với không gian đặc trưng này là những bài hát dân ca của dân tộc Ba Na, những điệu nhạc của đàn Goòng, đàn Kơni truyền thống ngân vang, len lỏi khắp cành cây ngọn lá, lan tỏa khắp buôn làng, đưa người nghe về với những huyền thoại của Tây Nguyên đại ngàn.


Sau khoảng thời gian các nghệ nhân ôn lại những bài hát, khúc nhạc truyền thống là buổi truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho lớp trẻ. Một hồi trống vang lên, đội cồng chiêng, múa xoang trẻ trong làng đã tụ họp đông đủ về nhà rông truyền thống để bắt đầu học. Các “chiêng nhí” ăn mặc rất chỉn chu, tất cả đều khoác lên mình những bộ trang phục truyền thống do chính những người trong gia đình mình tự thêu dệt nên. Đội hình cồng chiêng trẻ của làng cũng rất đa dạng, từ những em nhỏ mới 6 - 7 tuổi, cho đến những chàng trai, cô gái 16 - 17 tuổi. Con trai thì học đánh trống, đánh cồng chiêng, con gái thì học múa xoang. Trong ngôi nhà rông nằm ngay giữa làng, tiếng cồng chiêng bắt đầu vang lên. Từng động tác một được các nghệ nhân uốn nắn một cách chỉn chu. Dù còn nhiều lóng ngóng, nhưng với sự tận tình của các nghệ nhân, các em chăm chú tiếp thu và thực hiện rất tốt. Em Đinh Lơ, 7 tuổi hồ hởi khoe: “Em được các già trong làng truyền dạy cách đánh chiêng đã 2 năm rồi. Được học đánh cồng chiêng, em rất thích, và sẽ cố gắng đánh thật giỏi, đánh thật hay để sau này giống như các bác, các chú, các anh”.


Bên ngoài sân, những cô gái Ba Na tuổi trăng tròn cũng bắt đầu làm quen với những điệu múa xoang truyền thống. Người múa thạo chỉ cho những em nhỏ mới bắt đầu học, cứ thế các em miệt mài với từng động tác, từ dễ đến khó. Em Đinh H’Gưi chia sẻ: “Em mới tập múa xoang được 2 năm nay, giờ em đã thuộc gần hết các động tác của một bài xoang rồi. Già làng nói tất cả con gái trong làng đều phải biết múa xoang hết. Biết múa xoang mới là con, cháu của làng này, không biết múa xoang thì không phải con, cháu của làng đâu. Nên giờ làng cháu, già trẻ đều biết múa xoang hết, ai không biết thì phải học, học là biết hết thôi”.


Nghệ nhân Đinh Trân, đội trưởng đội cồng chiêng làng Mơ H’Ra là người đã 5 năm gắn bó với công việc dạy đánh chiêng cho lớp trẻ. Dù không có lương, không mang lại thu nhập nhưng ông và đội ngũ nghệ nhân trong làng vẫn thấy hào hứng, bởi nó sẽ giúp con cháu trong làng duy trì được những nét văn hóa truyền thống của người Ba Na.

 

Ngày ngày, ông miệt mài với từng động tác của con trẻ. Với giọng nói trầm ấm, gần gũi ông đã uốn nắn từng động tác, cách cầm “cùi” cho từng em nhỏ. Đáp lại sự tận tâm đó, những “chiêng nhí” cũng tiếp thu rất nhanh, nhờ đó tiếng chiêng của làng đã vang xa tới các cuộc thi trong tỉnh cũng như tại các liên hoan cồng chiêng lớn trên cả nước. Nghệ nhân Đinh Trân hồ hởi khoe: “Các cháu học rất là tiến bộ, đã đánh gần thành thục được mấy bài chiêng rồi như bài đâm trâu, mừng lúa mới... Các cháu có ý thức bảo tồn văn hóa cồng chiêng như thế là rất tốt, chúng tôi rất mừng. Mong là các cháu sẽ phát huy tốt hơn nữa để văn hóa truyền thống Ba Na mình không bị mai một”.


Hòa mình trong buổi học là những khuôn mặt rạng rỡ của các thanh thiếu niên với niềm hăng say đánh cái cồng, cái chiêng, và những điệu múa xoang nhịp nhàng truyền thống. Cùng với đó và những nụ cười mãn nguyện của các nghệ nhân khi con cháu trong làng có ý thức tiếp thu những giá trị văn hóa của làng...

Bài và ảnh: Quang Thái

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN