Lãng phí trong sử dụng sinh viên hệ cử tuyển

Để tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số phục vụ nhiệm vụ công tác tại địa phương, những năm qua, nhiều học sinh dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên đã được học cử tuyển các cấp. Nhưng, sau khi tốt nghiệp, việc làm với họ lại khá xa vời.


10 em tốt nghiệp, 4 em … thất nghiệp


Tại Hội nghi về công tác cử tuyển và giải quyết việc làm cho học sinh cử tuyển, học sinh DTTS tốt nghiệp cao đẳng, đại học được tổ chức tại Kon Tum vào tuần đầu tháng 6/2013, đại diện các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tham gia nhiều ý kiến xung quanh công tác cử tuyển. Đáng quan tâm là tỷ lệ học sinh cử tuyển tốt nghiệp và có việc làm đạt thấp, chỉ 60%. Nghĩa là cứ 10 học sinh được cử tuyển, thì sau khi tốt nghiệp, chỉ có 6 em được bố trí việc làm.

Được theo học đại học, cao đẳng hệ cử tuyển là mơ ước của học sinh các trường dân tộc nội trú.Ảnh: Quý Trung – TTXVN.


Toàn tỉnh Kon Tum hiện còn 173 sinh viên hệ cử tuyển và 231 sinh viên người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng chưa được bố trí việc làm. Trong khi đó, số lượng sinh viên cử tuyển và sinh viên người dân tộc thiểu số chuẩn bị tốt nghiệp năm 2013 - 2014 còn rất lớn, tất nhiên cũng chưa có “đầu ra”.

Ông Mã Thế Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng:

Thực sự là một lãng phí lớn

Việc tiếp nhận và bố trí việc làm cho những sinh viên cử tuyển sau khi ra trường hiện chưa được quan tâm đúng mức. Điều này thực sự là một lãng phí lớn. Các cấp, các ngành cần có thêm chính sách khuyến khích, quan tâm đầu tư và tiếp nhận những sinh viên ở địa phương sau khi tốt nghiệp ra trường, bố trí công việc phù hợp với trình độ, chuyên môn đã được đào tạo; cần có chế độ ưu tiên, ưu đãi và phụ cấp hợp lý đối với những cán bộ công tác tại các xã vùng sâu, vùng xa để họ yên tâm công tác.


Tỷ lệ này tại Đắk Lắk còn đáng buồn hơn: Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cử tuyển 552 học sinh người dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, với 17 ngành nghề đào tạo: y khoa, sư phạm, kinh tế, tài chính... Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh mới chỉ tiếp nhận, bố trí công tác 44/552 sinh viên sau khi tốt nghiệp. Huyện Ea Kar, Ea H’Leo mỗi địa phương cũng chỉ mới tiếp nhận, bố trí được 3 sinh viên hệ cử tuyển sau khi tốt nghiệp.


Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, song tựu trung lại, chính là do công tác tuyển sinh, đào tạo hệ cử tuyển chưa gắn với quy hoạch lao động của các địa phương. Tại Kon Tum, nguyên nhân được nêu rõ, là UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành tỉnh chưa làm tốt công tác phối hợp rà soát, nắm bắt nhu cầu thực tế ngành nghề, lĩnh vực công tác còn thiếu tại các địa phương để tham mưu UBND tỉnh bố trí đối tượng theo học cử tuyển đạt hiệu quả. Mặt khác, công tác tuyển dụng học sinh cử tuyển và dân tộc thiểu số tốt nghiệp đại học, cao đẳng vào biên chế cơ quan nhà nước không nhiều, hầu hết bộ máy công chức, viên chức ở các đơn vị đã ổn định...


Còn tại Đắk Lắk, kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho thấy, việc quản lý, tiếp nhận số sinh viên hệ cử tuyển sau khi ra trường còn quá ít, công tác tuyển sinh chưa gắn với công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng biên chế, nhu cầu đào tạo cán bộ... dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn không tìm được việc làm.


Cân đối trong quy hoạch và đào tạo


Từ năm 2010 đến nay, tổng số học sinh được cử đi học cử tuyển tại Kon Tum là 931 người. Toàn tỉnh đã tuyển dụng 517 công chức, viên chức là người DTTS; thực hiện về biên chế tuyển dụng sinh viên DTTS tốt nghiệp đại học vào làm tại cơ quan Nhà nước là 23 người. Trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Kon Tum đã có nhiều cố gắng nỗ lực trong việc thực hiện công tác cử tuyển, bố trí việc làm cho học sinh tốt nghiệp hệ cử tuyển và học sinh người dân tộc thiểu số.

Ông Hữu Minh Úc, Ấp 7, xã Tân Lộc, Thới Bình, Cà Mau: Cần bổ sung chế độ cho học sinh THPT bán trú Hiện chế độ chính sách mới ưu tiên cho học sinh dân tộc thiểu số bậc Tiểu học và THCS, trẻ 5 tuổi để thực hiện đề án phổ cập mầm non. Nhưng muốn giải quyết tốt bài toán chất lượng, rất cần chế dộ dành cho HS đồng bộ ở tất cả các cấp học, bậc học, đặc biệt là HS THPT các trường PTDT bán trú. Thực tế có nhiều HS tốt nghiệp THCS nhưng không đi học tiếp ở bậc học THPT, do các em đến tuổi lao động, gia đình lại nghèo, các em phải lao động để giúp đỡ gia đình. Nếu có chính sách hỗ trợ kịp thời dành cho học sinh cấp III thì sẽ khuyến khích HS đi học tiếp.


Tuy nhiên, trước thực trạng vẫn còn nhiều học sinh cử tuyển đã hoàn thành chương trình đào tạo mà chưa có việc lam, bà Lê Thị Kim Đơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo: “Cần ưu tiên sắp xếp công việc cho học sinh dân tộc thiểu số”. Theo bà Lê Thị Kim Đơn, để phát huy hiệu quả cao nhất công tác cử tuyển, Sở Nội vụ Kon Tum cần chủ trì và phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, tổng hợp và có báo cáo cụ thể phương án bố trí đối với số lượng học sinh dân tộc thiểu số đã cử đi học và tốt nghiệp nhưng chưa có việc làm, cũng như sẽ tốt nghiệp thời gian đến; tạm dừng công tác cử tuyển đối với lĩnh vực, ngành nghề chưa thật sự cần thiết tại địa phương, qua đó đề xuất tập trung lĩnh vực ưu tiên phải đào tạo, cử tuyển; rà soát các chính sách, chế độ liên quan còn trùng lắp, chưa hợp lý trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế; rà soát, đề nghị đúng đối tượng, tránh cử tuyển sai đối tượng.


Trong khi đó, Đắk Lắk đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương điều tra, rà soát sinh viên cử tuyển tốt nghiệp đã ra trường, số có việc làm, chưa có việc làm... để có cơ sở tiếp tục bố trí công tác, sử dụng nguồn đã đào tạo một cách hợp lý.


Trên thực tế, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện chính sách cử tuyển đa dạng về thành phần dân tộc như Êđê, M’nông, Ja Rai, Mường, Tày, Vân Kiều, Dao, Khmer, Thái, Chứt, Sách, Xê Đăng, Cao Lan..., trong đó, học sinh cử tuyển đông nhất là dân tộc Êđê, M’nông, Ja Rai... nhằm phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Việc thực hiện chính sách cử tuyển ở Đắk Lắk đảm bảo sự công khai, dân chủ, minh bạch. Nhiều sinh viên hệ cử tuyển sau khi được tiếp nhận đã đáp ứng tốt yêu cầu công tác, trở thành cán bộ chủ chốt, giữ chức vụ lãnh đạo trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị.


T.H

Bất cập trong việc tiếp nhận sinh viên hệ cử tuyển

Từ năm 2006 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã cử tuyển 552 học sinh dân tộc thiểu số theo học tại các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, với 17 ngành nghề đào tạo: Y khoa, sư phạm, kinh tế, tài chính...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN