Ngày 5/9, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) đã kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa tình trạng sử dụng ngày càng nhiều các loại hóa chất trong các ngành công nghiệp nhằm ngăn chặn rủi ro cho sức khỏe và môi trường.
Khu vực tiểu sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi bị thiệt hại nhiễm độc do các loại thuốc trừ sâu gây ra rất lớn. Ảnh: Internet |
Trong báo cáo nhan đề "Triển vọng các loại hóa chất toàn cầu", UNEP cho biết sự thay đổi về sản xuất, sử dụng và mua bán hóa chất ở các nước phát triển cũng như đang phát triển đòi hỏi chính phủ các nước phải đề ra chính sách quản lý tốt hơn để tránh các loại bệnh tật và ô nhiễm.
Báo cáo khẳng định việc gia tăng sử dụng hóa chất không những gây hậu quả rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người mà còn là gánh nặng kinh tế của nhiều nước trong việc xử lý nhiễm độc hóa chất. Ví dụ tại khu vực tiểu sa mạc Sahara ở châu Phi, dự kiến thiệt hại nhiễm độc do các loại thuốc trừ sâu gây ra lớn hơn tổng số viện trợ phát triển nước ngoài hàng năm cho khu vực này để bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản, chưa kể HIV/AIDS.
UNEP cho biết hiện nay các hệ thống phúc lợi xã hội và các cá nhân đang gánh chịu thiệt hại của nhiễm độc thuốc trừ sâu, ô nhiễm nước, chất thải độc hại và nhiều hậu quả khác, chứ không phải các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp từ Sudan, Ecuador và các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ.
UNEP kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng đề ra các chính sách quản lý hóa chất lâu dài, không những để ngăn chặn các thiệt hại mà còn để cải thiện việc làm và phát triển công nghệ xanh.
Báo cáo cũng đưa ra một số kiến nghị như đưa công tác quản lý các loại hóa chất vào các kế hoạch kinh tế và xã hội quốc gia, phát triển các chính sách chú trọng ngăn chặn rủi ro và thúc đẩy các biện pháp an toàn, khuyến khích khu vực tư nhân đóng vai trò tích cực hơn trong việc phát triển các chính sách an toàn cùng các chính phủ...
Cùng ngày, phát biểu tại trụ sở LHQ ở New York, Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner cho biết các nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển và mới nổi, ngày càng lệ thuộc hóa chất, từ các loại phân bón và hóa chất dầu mỏ đến điện tử và nhựa, để phát triển kinh tế và tăng số lượng việc làm.
Thực tế, tình trạng ô nhiễm và bệnh tật liên quan đến sử dụng, sản xuất và mua bán các loại hóa chất ngày càng tăng có thể gây trở ngại cho các mục tiêu phát triển cơ bản của các nước, vì ảnh hưởng đến các nguồn cung cấp nước, an ninh lương thực, tình trạng sức khỏe và năng suất lao động của người công nhân.
Do đó, tăng cường công tác quản lý các loại hóa chất là một nhiệm vụ quan trọng của các chính phủ để chuyển sang một nền kinh tế xanh.
TTXVN/ Tin Tức