Các lực lượng an ninh trên khắp Libi được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ ngày 17/2, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này kỷ niệm tròn 2 năm ngày bùng phát làn sóng biểu tình dẫn tới cuộc lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi.
Các chốt kiểm soát được thiết lập phòng bạo loạn. |
Các chốt kiểm soát đã được dựng lên trên khắp thủ đô Tripôli và cả Benghazi - thành phố lớn thứ hai và cũng là "cái nôi" của sự kiện mang tên "Cuộc cách mạng 17 tháng Hai". Biên giới của Libi với Ai Cập và Tuynidi đã được đóng cửa từ ngày 15 đến 19/2. Các chuyến bay quốc tế bị hoãn lại, ngoại trừ tại các sân bay ở hai thành phố lớn nói trên.
Thủ tướng Ali Zeidan cho biết chính phủ áp dụng một loạt biện pháp an ninh nhằm tránh "mọi âm mưu phá hoại Libi và phá hỏng các hoạt động kỷ niệm". Chính quyền cho phép biểu tình hòa bình, song sẽ áp dụng vũ lực đối với những người cố tình phá hoại các hoạt động kỷ niệm.
Phát biểu tại một cuộc tuần hành ngày 17/2 ở Benghazi, tổng thống lâm thời của Libi, ông Mohammed el-Megarif đã kêu gọi người dân “đoàn kết và vượt qua khác biệt để cùng xây dựng đất nước”. Ông cũng hứa sẽ giảm đói nghèo và trao thêm quyền cho các nhóm thiểu số.
Trước đó, hàng nghìn người đã tuần hành kỷ niệm tại Tripôli và Benghazi vào ngày 15/2 - ngày nổ ra cuộc biểu tình đầu tiên và châm ngòi cho cuộc bạo loạn hai ngày sau đó. Dù không có chương trình kỷ niệm chính thức cho ngày 17/2, nhưng chính phủ Libi vẫn buộc phải thắt chặt an ninh đề phòng các cuộc biểu tình ngẫu hứng do chính phủ đang phải đối mặt với lời kêu gọi "một cuộc cách mạng mới" và những cáo buộc “không cải cách đến nơi đến chốn”.
Các nhóm đối lập ở Libi đang đòi chính phủ không bổ nhiệm các quan chức dưới thời ông Kadhafi. Tại thủ đô Tripôli cũng xuất hiện tờ rơi kêu gọi một cuộc nổi dậy toàn dân nhằm lật đổ chế độ hiện tại. Hiện chưa rõ tổ chức nào phân phát tờ rơi này, nhưng các quan chức Libi cáo buộc những nhân vật từ thời ông Gadhafi đang xúi giục biểu tình để tạo bất ổn.
Hai năm sau cuộc bạo loạn lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Kadhafi và sau khi tổ chức bầu cử tự do hồi tháng 7/2012, Libi vẫn chưa thực sự có được ổn định về chính trị, trong khi an ninh vẫn là một thách thức lớn, đặc biệt là tình trạng phổ biến vũ khí và trốn trại của hàng nghìn tù nhân. Chính quyền mới còn phải đối mặt với những vấn đề xã hội cấp thiết đang ngăn cản việc thực hiện các chiến lược an ninh và kinh tế trung và dài hạn.
TTG - LD