Theo nhận định của Đài Tiếng nói nước Nga, những biến động chính trị
tại Libi có thể dẫn đến gây chia rẽ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây
dương (NATO).
Trong khi Mỹ đang chuẩn bị việc can thiệp quân sự vào cuộc
xung đột ở Libi với việc tàu đổ bộ tấn công của nước này USS
Kearsarge, chở theo hàng trăm lính thủy đánh bộ, cùng hai tàu hải quân
khác đang hướng tới Libi vào ngày 1/3, thì các đối tác châu Âu thuộc
NATO lại chưa tỏ ra sẵn sàng ủng hộ Oasinhtơn.
Trong bối cảnh đó, Nga
cũng tuyên bố không tán thành việc chuyển sang hoạt động chiến sự tích
cực.
Nội dung một trong các kịch bản "can thiệp quân sự" của
Mỹ là không loại trừ khả năng Lầu Năm Góc thực hiện những cú đánh trọng
điểm hỗ trợ cho "chính phủ lâm thời", được phe đối lập dựng lên tại
thành phố đông dân thứ hai của Libi là Bengadi (Benghazi). Mỹ cũng không
loại trừ việc cung cấp vũ khí cho "chính phủ " này để đối phó với Tổng
thống Muammơ Cađaphi (Muammar Gaddafi).
Trong khi đó, đây là
bước ngoặt sự kiện có thể gây phản tác dụng. Ông Vaxili Côntasốp (Vasily
Koltashov), lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Viện Toàn cầu hóa và
các chuyển động xã hội, nói: “Điều có thể xảy ra là dựa vào thế lực can
thiệp nước ngoài, bản thân các nhân vật của "chính phủ lâm thời" có thể
trở thành những Cađaphi mới. Có nghĩa quá trình sẽ bị hãm phanh. Bởi
thế, những thay đổi tiếp theo trong nước có khả năng dẫn tới xung đột vũ
trang đẫm máu hơn, nhằm xua đuổi những ‘bạn hữu’ của sự can thiệp từ
bên ngoài”.
Người phát ngôn NATO, bà Ôana Lungiexcu (Oana
Lungescu) cho biết các nước thành viên khối này đang tích cực tham vấn
về cuộc khủng hoảng ở Libi để "chuẩn bị cho mọi tình huống" xảy ra ở đó.
Tuy nhiên, bà Lungiexcu cũng nhấn mạnh việc thiết lập bất cứ vùng cấm
bay nào ở Libi cũng cần được Liên hợp quốc phê chuẩn.
Một số nước NATO
tỏ ra không sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ trước hậu quả mà các
hoạt động quân sự tại Libi có thể gây ra. Đặc biệt, Đức đã tế nhị bày tỏ
để đối tác bên kia bờ đại dương hiểu rằng, cho đến lúc này vẫn chưa hết
hẳn các phương pháp giải quyết xung đột. Pháp cũng thể hiện quan điểm
tương tự. Chưa cần nói tới sự tham gia trực tiếp, mà chỉ riêng việc Pari
chấp thuận ngấm ngầm hoạt động quân sự ở Libi cũng đủ làm lung lay vị
thế của quốc gia này ở Bắc Phi.
Trong bối cảnh hiện tại, Bộ
trưởng Ngoại giao Nga Xécgây Lavrốp (Sergei Lavrov) đã lên tiếng rõ ràng
phản đối sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Libi. Theo ông Lavrốp, vấn
đề đất nước này, cũng như các quốc gia khác ở Bắc Phi và Trung Đông,
phải do chính dân tộc họ giải quyết, không có sự ép buộc từ bên ngoài,
thông qua các cuộc đối thoại trong nước và sự đồng thuận của cả xã hội.
TTXVN