Việc Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng đưa 9 dự án nhà máy xi măng ra khỏi quy hoạch đã một lần nữa cho thấy, sử dụng các biện pháp mạnh là hết sức cần thiết trong bối cảnh dư thừa xi măng như hiện nay.
Mất cân đối cung - cầu
Theo Bộ Xây dựng, Việt Nam là 1 trong 10 nước có sản lượng xi măng lớn nhất thế giới. Cùng với đó là tình trạng dư thừa xi măng lên đến hàng triệu tấn mỗi năm.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (Hà Nam). Ảnh: Minh đông - TTXVN |
Cụ thể: Năm 2010 thừa 3 triệu tấn, năm 2012 là 6 triệu tấn và dự đoán đến năm 2020 sẽ lên đến 30 triệu tấn. Trong tương lai, nguồn cung xi măng dự báo vẫn tiếp tục dồi dào: Năm 2015, ước tính nguồn cung khả thi vào khoảng 80,65 triệu tấn, trong đó các dự án đã đi vào vận hành có công suất thiết kế xấp xỉ 69 triệu tấn. Còn lại là các dự án đang triển khai xây dựng, hoặc đã xây dựng xong nhưng chưa đi vào vận hành. Còn nếu theo kế hoạch trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vào năm 2015, công suất thiết kế xi măng cả nước sẽ là 94,24 triệu tấn/năm với tổng số 91 dự án. Trong đó, số dự án đi vào hoạt động từ năm 2013 đến 2015 là 24 dự án với công suất thiết kế trên 25 triệu tấn.
Cùng với đó, thị trường bất động sản trầm lắng, hàng loạt dự án xây dựng đình trệ, đã khiến nhu cầu xi măng trong nước giảm sút nghiêm trọng. Theo dự báo của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng mức đầu tư toàn xã hội và mức tăng trưởng xi măng vừa qua thì nhu cầu tiêu thụ xi măng vào năm 2015 chỉ vào khoảng từ 61 - 65 triệu tấn. Còn theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, với đà tăng trưởng 5 - 10%/năm, đến năm 2015, nguồn cung xi măng sẽ vượt cầu gần 20 triệu tấn. Tình trạng dư thừa xi măng do đầu tư dàn trải, không theo quy hoạch không chỉ gây hậu quả cho chính ngành xi măng mà còn gây thiệt hại cho cả nền kinh tế.
Mạnh tay thanh lọc
Trước thực trạng trên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng đưa 9 dự án xi măng ra khỏi quy hoạch, và giãn tiến độ đầu tư 7 dự án sang sau năm 2015. 9 dự án bao gồm: Dự án Trường Sơn - Rô Li (Quảng Trị), Hà Tiên - Kiên Giang (Kiên Giang), Hợp Sơn (Nghệ An), Ngọc Hà (Hà Giang), Vinafuji Lào Cai (Lào Cai), Thanh Trường (Quảng Bình), Sơn Dương (Tuyên Quang), Quang Minh (Hải Phòng) và dự án xi măng Cao Bằng (Cao Bằng). Theo ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), 9 dự án đưa ra khỏi quy hoạch đều là những dự án có công suất nhỏ (dưới 2.500 tấn clanh - ke/ngày), suất đầu tư cao, tiêu tốn nguyên liệu lớn, ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, những dự án này mới chỉ dừng ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư, hầu hết mới hoàn thành khâu giải phóng và san lấp mặt bằng. Trong cả 9 dự án chưa có dự án nào đặt cọc tiền mua thiết bị. Đồng thời, khả năng tài chính của các chủ đầu tư gặp khó khăn. Hơn nữa, vào thời điểm này nguồn cung xi măng đã vượt cầu nên hạn chế phát triển những dự án xi măng có công suất nhỏ. Do vậy, việc đưa 9 dự án ra khỏi quy hoạch lúc này chưa gây hậu quả về kinh tế cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD: Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tăng cường rà soát và có sự điều chỉnh hợp lý để từng bước cân đối cung cầu, đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xi măng, đáp ứng yêu cầu sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm các giải pháp trong việc nâng cao hiệu quả xuất khẩu xi măng, qua đó làm giảm áp lực tiêu thụ nội địa và hạn chế thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.
TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam: Ngoài 9 dự án đã đưa ra khỏi quy hoạch, hiện có 30 dây chuyền sản xuất xi măng công suất dưới 1.600 tấn/ngày (tổng công suất 11,6 triệu tấn/năm) với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn năng lượng lớn, năng suất lao động thấp, ô nhiễm môi trường cao cần được xem xét; 9 dự án xi măng lò quay, công suất 2.500 tấn clanh - ke/ngày dự kiến đầu tư giai đoạn 2016 - 2030, do công nghệ chỉ ở mức trung bình, không phù hợp với sự phát triển của ngành cũng cần được tính toán lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xi măng nên tái cấu trúc theo hướng hình thành tổ hợp sản xuất xi măng lớn, đủ sức cạnh tranh, làm chủ thị trường. |
Để thực hiện được điều này, từ tháng 7 năm ngoái, Bộ Xây dựng đã thành lập đoàn kiểm tra rà soát tất cả các dự án xi măng trên toàn quốc nằm trong quy hoạch và có kế hoạch hình thành trong giai đoạn 2012 - 2015. Qua rà soát cho thấy, 9 dự án trên đều có công suất nhỏ, khả năng vốn tự có của chủ đầu tư kém, trong đó chưa ai có được đến 20% vốn, trên 80% lệ thuộc vào vốn vay và có định hướng vay. Ngoài 9 dự án bị loại khỏi quy hoạch còn có 7 dự án khác là Hệ Dưỡng II, Mỹ Đức, Thanh Sơn, Tân Thắng, Đô Lương, Tân Phú Xuân, Nam Đông sẽ giãn tiến độ đầu tư sang giai đoạn sau năm 2015. Trao đổi về vấn đề này, TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam cho rằng: Đây là thời điểm không thể nương tay với nhiều dự án xi măng bởi tình cảnh của ngành xi măng thực sự rất cấp bách. Nếu không mạnh tay thanh lọc, không hướng các dự án đi vào quy hoạch, không có tầm nhìn dài hạn, thì không chỉ lỗ về tiền bạc mà chúng ta còn thua trắng về tài nguyên, cảnh quan môi trường, những thứ có tiền cũng chưa chắc đã cứu vãn được. Có thể nói, đây là đợt thanh lọc các dự án xi măng lớn nhất từ trước đến nay trong bối cảnh xi măng đã dư thừa, hàng loạt nhà máy công suất lớn đang xếp hàng để đưa sản phẩm vào thị trường và hàng loạt nhà máy khác đang nợ nần chồng chất.
Ủng hộ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất
Có thể nói, loại 9 dự án xi măng ra khỏi quy hoạch là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết vào lúc này. Chia sẻ với khó khăn của các chủ đầu tư có dự án xi măng bị đưa ra khỏi quy hoạch, nhưng ông Lê Văn Tới cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp có đầu tư nữa cũng không đủ lực: “Có thể khẳng định là nếu doanh nghiệp có đầu tư giai đoạn này thì không có khả năng thu hồi vốn. Bằng chứng là nhiều nhà máy đã vận hành trước đây có công suất nhỏ như vậy hiệu quả kinh tế rất thấp, việc hạch toán thu hồi vốn rất khó khăn”. Với những dự án đã có mặt bằng, các chủ đầu tư được phép chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm, dịch vụ khác. Còn nếu vẫn để trong quy hoạch thì chỉ được làm xi măng chứ không được làm gì.
Vấn đề hiện nay là các DN chuyển đổi dự án xi măng sang sản xuất gì khác cho phù hợp, khỏi lãng phí là điều rất được quan tâm? Ngày 11/4 vừa qua, Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh (chủ đầu tư dự án xi măng Quang Minh - Hải Phòng) đã có công văn gửi Bộ Xây dựng xin chuyển đổi mục đích sử dụng dự án xi măng Quang Minh. Mới đây nhất (ngày 25/4), Bộ Xây dựng đã đồng ý với đề nghị của Xí nghiệp tập thể thương binh Quang Minh. Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ Xây dựng ủng hộ các doanh nghiệp chuyển đổi mục đích đầu tư dự án xi măng sang đầu tư sản xuất các sản phẩm VLXD hoặc dịch vụ khác để đảm bảo hiệu quả đầu tư. Bộ Xây dựng cũng đề nghị UBND thành phố Hải Phòng tạo điều kiện để Xí nghiệp Quang Minh sớm chuyển đổi mục đích đầu tư của dự án.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng xi măng tồn kho vào khoảng 0,87 triệu tấn, clanh - ke tồn 3,2 triệu tấn, tuy nhiên lượng xi măng tiêu thụ đạt 7,5 triệu tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Cùng với việc điều chỉnh quy hoạch xi măng để cân đối cung - cầu thì đây là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay.
Hà Vy