Tôi mượn lời tâm sự của Giáo sư Trần Văn Khê để bắt đầu bài viết này “Trong thế hệ của chúng tôi, nét nhạc đầu tiên đến với con người từ lúc mở mắt chào đời là qua tiếng hát ru. Cùng một lúc với dòng sữa ấm của mẹ truyền sang cơ thể của em bé, những câu thơ dân gian, một điệu nhạc dân tộc được rót vào tiềm thức của em bé. Bài "giáo dục âm nhạc" đầu tiên đó được ghi vào "bộ nhớ" của đứa trẻ để khi khôn lớn nên người, tình thương mẹ sẽ gắn liền với tình yêu thi ca âm nhạc dân gian”.
Hát ru là những bài hát nhẹ nhàng đơn giản giúp trẻ con mau ngủ. Phần lớn những câu hát ru con đều lấy từ ca dao, đồng dao hoặc hò vè, thơ ca rồi truyền từ bà đến mẹ, như dòng nước nguồn từ thế hệ trước chảy qua thế hệ sau. Nói đến hát ru là nói đến tình yêu thương thấm đẫm ngọt ngào, đến lòng bao dung, nhân hậu, đến khát vọng được sống ấm no. Khi tiếng hát ru cất lên là đã gói ghém, chứa đựng lòng mong mỏi cho trẻ thơ được sống yên ấm trong sự chở che của người thân, của cuộc đời.
Mỗi người mẹ có một giọng điệu riêng thể hiện sự vỗ về, nựng nịu gợi sự tưởng tượng của bé thêm phong phú, mở cho bé thấy thế giới bao la, gần gũi và cũng đầy thú vị. Dưới góc độ khoa học thì hát ru là những kích thích rất có lợi không chỉ với sự phát triển ngôn ngữ, tâm sinh lý mà còn giúp bé phát triển cả thể chất. Nên những lời hát ru còn mang vẻ đẹp tinh tế của văn hóa Việt mà những nhà làm văn hóa luôn kêu gọi hãy giữ gìn.
Trong câu chuyện về sự thưa vắng dần của những tiếng hát ru, người ta bị cuốn vào guồng quay của thời kinh tế thị trường, thời gian làm việc và năng suất lao động chi phối nhịp sống của con người, nên người ta lo ngại khi thấy tiếng hát ru đang dần chìm lắng giữa cuộc sống bộn bề này. Nhưng tôi thì tin tưởng rằng tiếng hát ru có vẻ đẹp và sức sống lâu bền không dễ gì mai một. Thỉnh thoảng tôi hay được đọc, được nghe những câu chuyện cảm động về tiếng hát ru. Vui thay khi ngay cả những người con dân nước Việt rời xa quê hương đã lâu nhưng vẫn hát ru con bằng điệu đồng dao quê mẹ.
Như trong đêm văn nghệ của đoàn y bác sĩ của Tổ chức Y tế tình nguyện TP.HCM kết hợp cùng các đoàn thể khác khi khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí và biểu diễn văn nghệ phục vụ bà con kiều bào và nhân dân Lào sinh sống tại Pakse năm 2012. Đông đảo bà con kiều bào đã đến nghe những lời ca tiếng hát ngọt ngào từ quê nhà trong đó có tiếng hát ru. Một kiều bào sau khi nghe một làn điệu dân ca hát ru, đã xúc động thốt lên những lời từ trong sâu thẳm trái tim mình “Lời ca như câu hát ru hời mà ngày xưa nằm nôi nghe mẹ hát. Âm ba ầu ơ buồn da diết lẫn ngọt ngào rót vào tai, không chỉ theo ta trong từng giấc ngủ mà cứ dai dẳng theo ta suốt cuộc đời”.
Vũ Thị Huyền Trang