Lũ sẽ rút trong 3 ngày tới

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nước lũ tại các tỉnh miền Trung đang xuống rất chậm; nhiều địa phương vẫn trong tình trạng ngập lụt. Phải 2-3 ngày nữa, nước lũ tại khu vực này mới rút.

 

Vẫn còn nhiều điểm ngập


Trong 3 ngày qua, tại các tỉnh Bắc Trung Bộ tiếp tục có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến ở mức 160 mm; một số nơi có lượng mưa lớn hơn gồm: Sầm Sơn (Thanh Hóa) 235 mm, Cẩm Nhượng (Hà Tĩnh) 221 mm, Cồn Cỏ (Quảng Trị) 276 mm. Mực nước các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đang xuống; riêng các sông ở Nghệ An và Hà Tĩnh xuống chậm và còn cao hơn báo động 1.

Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đưa hàng cứu trợ đến giúp đỡ người dân Quảng Sơn. Ảnh: Đức Thọ- TTXVN


Theo Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương, thiệt hại do trận lũ sau bão số 11 gây ra tại các tỉnh miền Trung tiếp tục gia tăng. Cụ thể, tại Hà Tĩnh mưa to vẫn tiếp diễn nên tình hình ngập lụt giảm chậm, hiện vẫn còn bị ngập tại vùng thấp, trũng của 36 xã (trong đó huyện Hương Sơn 8 xã, Hương Khê 3 xã, Vũ Quang 7 xã, Đức Thọ 15 xã, Nghi Xuân 3 xã) với độ ngập sâu từ 20-30 cm. Ông Bùi Minh Tăng cho biết, lũ trên các sông ở miền Trung đã xuống mức trên dưới báo động 1, nhưng nước trong đồng vẫn còn ở mức cao. Tại các khu vực ngập lụt trên, nước lũ sẽ rút đi trong vòng 2- 3 ngày tới.


Còn tại Quảng Bình, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quan trọng đã thông xe nhưng riêng đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn đèo Đá đẽo bị sụt trượt hiện vẫn chưa được khôi phục xong. Tỉnh lộ 559B đoạn K11+400- K11+800 mặt đường bị xói hàm ếch sâu 1m, rộng 2,5 m và tỉnh lộ 569 tại K24+900 nước cuốn trôi ngầm gây tắc đường.


Theo thống kê, đến ngày 20/10, các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định và tỉnh Kon Tum đã có 22 người chết (tăng 3 người so với hôm 18/10); 2 người mất tích và 116 người bị thương. Mưa lũ còn làm 614 nhà bị sập trôi, 97.946 nhà bị ngập, 13.131 nhà bị tốc mái, 510 phòng học bị hư hại. Tổng diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp bị ngập, gãy đổ lên đến 22.000 ha, tăng trên 500 ha so với ngày 18/10.


Nam bộ đối phó với triều cường


Trong khi đó, cũng do ảnh hưởng của mưa lớn sau bão số 11, trên sông sông Mê Công đã xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên tại trung lưu từ 2 - 3 m, tại hạ lưu từ 0,5 - 1 m. Tại Bình Dương, trong những ngày qua có mưa to cục bộ kết hợp với triều cường nên một số vùng trũng, thấp ven sông Sài Gòn đã bị ngập lụt. Theo thống kê, tại một số huyện như Dầu Tiếng, Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, thị xã Thuận An đã có 825 căn nhà bị ngập.


Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, lũ sông Cửu Long, sông Vàm Cỏ Tây tiếp tục lên trong những ngày tới. Đến ngày 23/10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu có khả năng lên mức 4,15 m, trên báo động 2 khoảng 0,15 m; tại Châu Đốc lên mức 3,8 m, dưới báo động 3 khoảng 0,2 m, tương đương với đỉnh lũ đầu tháng 10.


Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP Hồ Chí Minh cũng đã cảnh báo các địa phương trên địa bàn về đợt triều cường giữa tháng 10/2013 và khẩn trương thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống, ứng phó với đợt triệu cường này.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN